Kiên trì, nhẫn nại, tạo tâm lý thoải mái trong trò chuyện rồi vận động, giúp đỡ, giáo dục các đối tượng lầm lỗi từ bỏ các tệ nạn xã hội để làm lại cuộc đời - đó là những gì mà bà Trương Thị Ngọc Lân, 82 tuổi (tổ 1 Duy Hà, phường Xương Huân, TP. Nha Trang) đã làm trong hơn 20 năm qua.
Kiên trì, nhẫn nại, tạo tâm lý thoải mái trong trò chuyện rồi vận động, giúp đỡ, giáo dục các đối tượng lầm lỗi từ bỏ các tệ nạn xã hội để làm lại cuộc đời - đó là những gì mà bà Trương Thị Ngọc Lân, 82 tuổi (tổ 1 Duy Hà, phường Xương Huân, TP. Nha Trang) đã làm trong hơn 20 năm qua.
Đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà bà Trương Thị Ngọc Lân - Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ 1 Duy Hà, phường Xương Huân, TP. Nha Trang. Đến nhà, cháu bà cho biết: “Bà nội đi công chuyện của phường từ trưa vẫn chưa về”. Ngồi đợi bà Lân trong gian phòng rộng khoảng 15m2, đập vào mắt chúng tôi là những tấm huân chương của 41 năm tham gia kháng chiến và hàng chục bằng khen, giấy khen mà Đảng, Nhà nước, tỉnh, thành phố, phường trao tặng cho bà. Ông Trần Đạo Hoài, 85 tuổi (chồng bà) cho biết: “Ngày nào cũng vậy, cơm nước xong là bà ấy lại đi. Nhiều lần tôi khuyên bà nghỉ tham gia công tác ở khu phố, nhưng bà không chịu. Bà ấy bảo: Tham gia công tác, làm được nhiều việc có ích cho đời, cho xã hội, tôi cảm thấy rất vui…”. Đúng lúc này, bà Lân về. Nhìn đôi mắt sáng, nước da hồng hào, khó có ai biết được bà năm nay đã 82 tuổi. Qua trò chuyện, chúng tôi thấy được tính tình cởi mở, vui vẻ và nhiệt tình của bà Lân.
Hàng ngày, bà Lân đều tranh thủ xem thông tin trên báo. |
Để vận động, giáo dục các đối tượng này, bà Lân phân ra từng nhóm để có phương án tiếp cận tốt nhất. Bà cho biết: “Đối với những trường hợp mãn hạn tù về, sau khi nắm bắt được số lượng đối tượng, tôi tìm đến nhà thăm hỏi, xem xét hoàn cảnh gia đình, rồi dần dần trao đổi, trò chuyện, tạo tâm lý thoải mái để các đối tượng bộc bạch những tâm tư, nguyện vọng của mình. Từ đó, định hướng cách làm ăn để các đối tượng nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời”. Phần lớn các đối tượng này đều có chung đặc điểm là thường tránh né, ít giao tiếp với mọi người xung quanh, mặc cảm hoặc bất mãn nên tỏ thái độ bất cần, thờ ơ với mọi người. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, bà Lân tìm mọi cách tiếp cận để vận động, khuyên bảo họ làm lại cuộc đời. Nhờ đó, đến nay, bà đã vận động được hàng chục đối tượng chịu khó làm ăn, vượt qua mặc cảm vươn lên trong cuộc sống.
Với những đối tượng nghiện hút ma túy, việc phát hiện, tiếp cận, gần gũi, quản lý và giáo dục rất khó khăn. Nhiều gia đình có con nghiện hút còn che giấu, ngại khai báo vì mặc cảm. Để vận động các trường hợp này, bà Lân tìm hiểu thông tin qua những người dân có uy tín ở khu phố; từ đó tìm cách xác minh bằng các thử nghiệm để phát hiện đối tượng nghiện hút. Cùng với đó, bà Lân phối hợp với các đoàn thể, Công an phường, gia đình tạo mọi điều kiện cho các đối tượng cai nghiện. Bản thân bà thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên, tạo sự gần gũi để xóa mờ ranh giới mặc cảm, giúp các đối tượng sớm từ bỏ con đường lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng. Từ những việc làm đó, đến nay, bà Lân đã vận động được gần 10 đối tượng nghiện ma túy hoàn lương.
Bà Trương Thị Ngọc Lân trong một lần ra Bắc. |
Công tác xã hội bận rộn là vậy, nhưng với trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, người bà, bà Lân luôn quan tâm răn dạy con cháu sống đoàn kết, hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chăm ngoan học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Bà Lân cho biết: “Tuổi trẻ của tôi đã cống hiến cho cách mạng, đất nước. Còn bây giờ, không phải vì đã già mà mình bỏ quên trách nhiệm với xã hội. Còn sống được ngày nào, tôi còn tham gia công tác xã hội để giúp đỡ, động viên, làm gương cho con cháu noi theo…”.
VĂN GIANG