05:08, 20/08/2010

Mở ra cơ hội việc làm cho người lao động

Xuất khẩu lao động được xem là một hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Nắm bắt được đặc điểm đó, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng đến việc tìm kiếm thị trường...

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động (NLĐ) có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Nắm bắt được đặc điểm đó, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng đến việc tìm kiếm thị trường XKLĐ có uy tín, nhằm mở ra nhiều cơ hội cho NLĐ của địa phương.

Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã và đang có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn làm điểm đầu tư, sản xuất kinh doanh. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các khu công nghiệp như: Khu Công nghiệp Suối Dầu (Cam Lâm), Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Đắc Lộc và Khu Kinh tế Vân Phong đã tạo ra việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, các khu công nghiệp này vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu việc làm của NLĐ trên địa bàn. Đây vẫn đang là vấn đề “nóng”, cần được các ngành, các cấp quan tâm giải quyết.

Người lao động xem thông tin xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Trước tình hình đó, những năm qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao nhiệm vụ cho Sở LĐ-TB-XH quan tâm đến công tác tìm hướng giải quyết việc làm cho NLĐ. Để giải quyết vấn đề này, ngoài công tác tìm kiếm, tạo việc làm tại chỗ cho NLĐ, Sở LĐ-TB-XH còn chú trọng đến việc tìm kiếm thị trường XKLĐ có uy tín nhằm mở ra nhiều cơ hội cho NLĐ của địa phương. Để tiếp nhận nhu cầu tuyển lao động từ phía các doanh nghiệp XKLĐ, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh chuyển tải thông tin tuyển dụng xuống tận các xã, phường, thị trấn để NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài nắm bắt. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ và Phòng LĐ-TB-XH của 8 huyện, thị xã, thành phố tổ chức tư vấn XKLĐ cho NLĐ. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở LĐ-TB-XH còn mở các phiên giao dịch việc làm ở các huyện, thị xã, thành phố nhằm tư vấn và nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH còn vận động các doanh nghiệp XKLĐ trong và ngoài tỉnh tham gia đăng ký tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, số lượng các doanh nghiệp XKLĐ đăng ký tuyển lao động tăng nhanh và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp trực tiếp đăng ký tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh như: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Sài Gòn Tourist), Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn, Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (SONA), Công ty XKLĐ Thương mại và Du lịch (SOVILACO), Công ty Cổ phần XKLĐ và Giới thiệu vận tải thủy miền Nam… Bình quân hàng năm, các doanh nghiệp XKLĐ này tuyển dụng từ 400 đến 600 lao động đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ như: Malaysia, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Trung Đông, Nga… Nhờ đó, số lao động tham gia đăng ký XKLĐ trên địa bàn tỉnh ngày một tăng lên. Năm 2009, có hơn 200 lao động tham gia XKLĐ. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 170 lao động tham gia XKLĐ; riêng trong tháng 7-2010 có gần 30 lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Nhật Bản và Malaysia.

Ông Hồ Việt Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: “Những năm qua, hoạt động XKLĐ đã được quan tâm đúng mức, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường lao động ngoài nước ngày càng đa dạng hóa ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng nhanh về số lượng. Nhờ đó, NLĐ trên địa bàn có thêm nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm phù hợp cho bản thân”.

XKLĐ được coi là một hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp NLĐ có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Do đó, để có nhiều lao động địa phương tham gia đăng ký XKLĐ, các ngành chức năng cần xây dựng điểm mô hình XKLĐ hiệu quả tại một số xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng và giảm phiền hà cho NLĐ. Các doanh nghiệp khi tham gia XKLĐ cần chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ cho NLĐ trước khi ra nước ngoài làm việc để đảm bảo uy tín, chất lượng nguồn lao động của địa phương.

VĂN GIANG