05:08, 26/08/2010

Nhiều mô hình sản xuất giúp người dân thoát nghèo

Nhờ tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được nhân rộng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây nâng lên đáng kể.

Nhờ tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được nhân rộng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây nâng lên đáng kể.

Trên đường tìm đến xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tải chất đầy sản phẩm giỏ cần xé chở đi tiêu thụ. Càng vào sâu, mùi thơm thoang thoảng từ cây lồ ô được dùng để đan giỏ cần xé phơi dưới nắng tỏa hương từng đợt. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Chiến, thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, một gia đình làm nghề đan giỏ cần xé đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ kinh tế khá giả. Anh Chiến cho biết: “Gia đình tôi có 7 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn do đất canh tác ít, nghề nghiệp không ổn định. Để có cái ăn, cái mặc tôi phải bôn ba nhiều nơi, làm thuê cuốc mướn đủ thứ nghề nhưng vẫn không thoát được nghèo. Nhiều lần tôi nghĩ, cứ đi làm thuê mãi cả đời thì vươn lên thoát nghèo sao được, vả lại sức khỏe mình cũng có hạn. Tôi trở về quê vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 20 triệu đồng đầu tư đan giỏ cần xé và nhờ đó thoát được nghèo. Hiện nay, mỗi ngày gia đình tôi đan được từ 50 - 60 giỏ, thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. Nghề này rất thuận tiện, dù mưa hay nắng đều có thể sản xuất bình thường…”. Cuộc sống khá giả, anh Chiến có điều kiện lo cho các con ăn học đàng hoàng. Hiện nay, anh có 3 người con đang đi học, trong đó có 1 người đang theo học Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Mô hình đan giỏ cần xé giúp người dân xã Cam Hiệp Nam (Cam Lâm, Khánh Hòa) thoát nghèo.

Bên cạnh nghề đan giỏ cần xé, thêu ren cũng là nghề nổi trội của người dân xã Cam Hiệp Nam. Nghề này chủ yếu thu hút lực lượng lao động nữ và đã góp phần tận dụng triệt để khoảng thời gian nông nhàn của người dân. Hiện nay, toàn xã có hơn 300 lao động làm nghề thêu ren, bình quân mỗi lao động thu nhập từ 800 đến 1 triệu đồng/tháng. Nghề thêu ren không đòi hỏi nhiều công sức, lại làm tại nhà nên rất phù hợp với những phụ nữ không có khả năng làm việc nặng. Nghề này góp phần tạo thêm thu nhập cho các hộ gia đình và giữ được nghề truyền thống cho quê hương.

Bên cạnh những ngành nghề trên, người dân xã Cam Hiệp Nam còn chú trọng phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi đem lại hiệu quả cao như: mía, đu đủ, mì (sắn), kiệu, nuôi nhím, heo rừng, gà công nghiệp…, góp phần tăng thu nhập. Theo thống kê của UBND xã, hiện toàn xã có hơn 300ha đất trồng mì, 400ha đất trồng mía và hơn 25ha đất trồng kiệu. Để tạo cơ hội cho những hộ nghèo có thêm đất canh tác, năm 2008, UBND xã đã cho hơn 25 hộ nghèo thuê lại hơn 9ha đất chỉ với giá 300 ngàn đồng/sào để canh tác. Trên diện tích này, đa số các hộ nghèo đều tập trung phát triển mô hình trồng cây kiệu và đu đủ. Bình quân, 1 sào đất người dân thu lời từ 3 - 5 triệu đồng/sào/năm. Nhờ đó, những gia đình nghèo có thêm thu nhập, nhanh chóng vươn lên thoát nghèo…

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho biết: “Những năm qua, được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn thực hiện có hiệu quả và đồng bộ chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, các hoạt động của chương trình đã chú trọng hướng vào hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Ban chủ nhiệm công tác xóa đói giảm nghèo đã phân công cụ thể cho từng thành viên đi sâu đi sát tới từng hộ nghèo để kịp thời có giải pháp giúp đỡ các đối tượng thoát nghèo. Nguồn vốn vay của người dân từ Ngân hàng Chính sách xã hội đều phát huy được hiệu quả trong việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất kinh tế đem lại thu nhập cao. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao tay nghề cho những người tham gia đan lát, thêu ren… Các chính sách về an sinh xã hội như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hỗ trợ ưu đãi giáo dục đã tạo điều kiện cho hộ nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống…”.

Có thể nói, những mô hình làm ăn hiệu quả mà Cam Hiệp Nam đang phát huy đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, để công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, xã Cam Hiệp Nam cần đề ra những kế hoạch, mục tiêu giảm nghèo cụ thể; xác định rõ đối tượng để có những chính sách hỗ trợ kịp thời và hợp lý; định kỳ kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo của từng hộ gia đình trên địa bàn để tham mưu cho chính quyền cấp trên có phương án, giải pháp điều chỉnh một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, xã cần đẩy mạnh công tác dạy nghề cho người nghèo, phổ biến những chính sách ưu đãi của Nhà nước và của tỉnh để người dân nắm được thông tin…

VĂN GIANG