Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực để đạt được những chỉ tiêu quan trọng.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực để đạt được những chỉ tiêu quan trọng. Nhìn chung, CNTT đã được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
. Đầu tư thích đáng cho CNTT
Có thể nói, tỉnh đã có sự đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này trong thời gian qua. Hàng năm, tỉnh đều trích từ nguồn ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư cho việc ứng dụng và phát triển CNTT. UBND tỉnh đã cho phép lập 22 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật; 9 dự án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước; 7 dự án đầu tư ứng dụng CNTT và 1 dự án phát triển nguồn nhân lực. Đến nay đã có 14/22 dự án đã thực hiện xong hoặc đang trong giai đoạn kết thúc. Hiện đã có 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 100% văn phòng HĐND, UBND các cấp đã xây dựng mạng tin học nội bộ (mạng LAN); tỷ lệ máy tính cá nhân/cán bộ là 0,7. Mạng tin học diện rộng của tỉnh (WAN) đến nay đã kết nối thông suốt từ Văn phòng UBND tỉnh đến các huyện (trừ huyện Cam Lâm mới thành lập năm 2007 và huyện Trường Sa) và kết nối đến 18/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Ngoài ra, nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các phần mềm ứng dụng CNTT cũng đã được các cơ quan thuộc tỉnh xây dựng và đưa vào ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN); số lượng DN, hộ gia đình quan tâm và ứng dụng CNTT tăng đáng kể; người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn được tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng CNTT… Những kết quả này đã góp phần đưa Khánh Hòa lọt vào tốp 10 trong 63 tỉnh, thành trong cả nước thực hiện tốt việc ứng dụng và phát triển CNTT.
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị 58, CNTT đã được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ rộng khắp với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều được phủ sóng điện thoại di động; có cáp quang; sử dụng Internet băng rộng; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 38,2%, cao hơn so với mức trung bình trong cả nước. Việc ứng dụng tin học phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với quá trình cải cách hành chính cũng được quan tâm và khai thác tốt tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Điển hình như Sở Kế hoạch - Đầu tư có phần mềm ứng dụng “Hệ thống đăng ký kinh doanh trực tiếp và cơ sở dữ liệu quản lý DN”; Sở Giáo dục có Cổng thông tin điện tử cho ngành; Sở Giao thông vận tải có phần mềm cấp giấy phép lái xe… Bên cạnh đó, mô hình “một cửa” hiện đại được triển khai thí điểm tại một số địa phương và đơn vị đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ người dân và DN.
. Cần nguồn nhân lực trình độ cao
Những kết quả trên cho thấy, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra: đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, xã hội hóa CNTT… Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn tồn tại một số hạn chế như: thị trường CNTT của tỉnh còn nhiều hạn chế; ứng dụng CNTT trong DN và xã hội của tỉnh chỉ đạt mức trung bình; các phần mềm ứng dụng phục vụ người dân và DN chưa nhiều… Bên cạnh đó, khó khăn nhất vẫn là nguồn nhân lực CNTT. Thực tế cho thấy, nguồn cung về nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh đang rất thừa nhưng nguồn cầu trong xã hội lại quá ít. Mặt khác, tỉnh đang rất thiếu lực lượng chuyên gia giỏi về CNTT để giúp tỉnh định hướng và triển khai các chương trình “Mũi nhọn trọng điểm” về ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT. Do vậy, để việc ứng dụng và phát triển CNTT đạt nhiều kết quả cao hơn trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực, tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ về việc phát triển nguồn nhân lực CNTT. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh sẽ có những kế hoạch cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ chuyên trách CNTT; đặc biệt là đầu tư thích đáng cho việc đào tạo chuyên sâu đối với đội ngũ cán bộ CNTT ở từng đơn vị để trở thành các chuyên gia trong việc triển khai các ứng dụng tin học. Mặt khác, để thu hút nhân tài trong lĩnh vực này, tỉnh cũng cần xây dựng cơ chế về chế độ đãi ngộ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia hoạt động thúc đẩy ứng dụng CNTT để việc ứng dụng và phát triển CNTT luôn đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
HẢI NGUYỆT