Với khoảng 6.300 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đăng ký thành lập và đi vào hoạt động, các doanh nghiệp đã trở thành lực lượng kinh tế có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.
Với khoảng 6.300 doanh nghiệp (DN), trong đó chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, đăng ký thành lập và đi vào hoạt động, các DN đã trở thành lực lượng kinh tế (KT) có tác động lớn đến sự phát triển KT - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN đang đứng trước không ít khó khăn; việc triển khai có hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa sẽ là động lực, cơ hội giúp các DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Đến thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Thương mại Quyết Tiến, đơn vị chuyên sản xuất hạt nhựa PE, PP, HD, chúng tôi được ông Đỗ Đồng Tiến - Giám đốc Công ty cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các DN nhỏ và vừa là thiếu vốn, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, thị trường nhỏ, ít kinh nghiệm quản lý… do vậy rất khó để cạnh tranh trên thị trường. Tương tự, DN tư nhân Châu Long hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, cán bộ không đủ năng lực quản lý… Do không thể cạnh tranh được trên thị trường xuất khẩu nên đơn vị này phải làm “vệ tinh” cho một DN khác lớn hơn.
Theo ông Francesco Russo - cố vấn kỹ thuật trưởng Dự án phát triển cụm DN nhỏ và vừa, DN nhỏ và vừa là thành phần cốt lõi của tăng trưởng KT bền vững và toàn diện trong các nền KT phát triển và đang phát triển, nhưng các DN này thường hoạt động đơn lẻ, quy mô nhỏ, tiếp cận hạn chế với thông tin thị trường, kỹ thuật, hạn chế khả năng quản lý, nguồn tài chính… do vậy không đủ nguồn lực để cạnh tranh trên thị trường. Để tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường, cần thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần chính sách hỗ trợ để ổn định sản xuất. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Thương mại Quyết Tiến). |
Trên địa bàn tỉnh, các DN nhỏ và vừa đa số còn mang tính nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất còn mang tính hộ gia đình, thiếu vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh; đặc biệt thiếu đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh… dẫn đến hạn chế trong quá trình phát triển. Để trợ giúp các DN nhỏ và vừa, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa phát triển bằng việc cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch sử dụng đất, phát triển ngành nghề, UBND tỉnh còn tổ chức đối thoại trực tiếp với DN nhỏ và vừa để tìm hiểu các khó khăn vướng mắc của DN nhằm tìm cách tháo gỡ… Thông qua hoạt động khuyến công, các DN nhỏ và vừa đã có cơ hội tiếp cận với các chương trình nâng cao năng lực quản lý, cải tiến quy trình công nghệ sản xuất. Qua 5 năm triển khai các hoạt động khuyến công (2005 - 2009), Chương trình khuyến công địa phương đã tổ chức 5 lớp khởi sự DN công nghiệp nông thôn cho gần 300 học viên; hàng trăm DN được hỗ trợ cải tiến quy trình công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; tổ chức 16 lớp đào tạo ngắn ngày nhằm nâng cao năng lực quản trị, bán hàng, marketing cho gần 900 học viên là đại diện các DN… Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của Chương trình khuyến công quốc gia, gần 450 học viên đã được tham gia các lớp đào tạo nghề, truyền nghề; hàng trăm đại diện các DN được tham quan, học tập, nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật… Qua đó, giúp DN ổn định sản xuất, tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, góp phần thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều DN nhỏ và vừa cần sự hỗ trợ từ chính sách trợ giúp DN nhỏ và vừa.
Theo ông Đỗ Đồng Tiến, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Thương mại Quyết Tiến đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hạt nhựa PE, PP, HD từ nguồn rác thải. Hiện mỗi ngày Công ty có thể sản xuất khoảng 85 tấn hạt nhựa các loại để cung cấp cho thị trường với chất lượng đảm bảo; giải quyết việc làm cho hơn 50 công nhân lao động với nguồn thu nhập ổn định.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp DN nhỏ và vừa thời gian qua không chỉ giúp các DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giải quyết được nhiều vấn đề xã hội khác như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, phát triển KT - xã hội vùng nông thôn… Tuy nhiên, việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa rất cần sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trên cơ sở tháo gỡ kịp thời những khó khăn tồn tại trong các DN nhỏ và vừa. Cần xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các chính sách hỗ trợ về tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới nâng cao năng lực, thông tin tư vấn, xúc tiến mở rộng thị trường… để DN nhỏ và vừa phát triển ổn định.
THỦY BA