Sau gần 3 tháng triển khai Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhìn chung, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều chuyển biến tích cực...
Sau gần 3 tháng triển khai Nghị định (NĐ) 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB), nhìn chung, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành Luật GT của người dân ngày càng được nâng cao, vi phạm về TTATGT giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang, sau gần 3 tháng thực hiện NĐ 34 của Chính phủ, lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm giải quyết triệt để tình trạng vi phạm TTATGT; tuy nhiên, tình hình TNGT trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến khá phức tạp. Từ tháng 5 đến ngày 20-7, trên địa bàn TP. Nha Trang xảy ra 8 vụ TNGT nghiêm trọng làm 8 người chết, 1 người bị thương nặng và 12 vụ va chạm GT nhẹ khác. So với thời điểm trước khi triển khai NĐ mới, tình hình TNGT không giảm. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, do lượng người tham gia GT trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2010 đến nay tăng đột biến, nhất là vào mùa du lịch; bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao đã thu hút đông người đến Nha Trang cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn về TNGT. Trước đây, hơn 70% các vụ TNGT chủ yếu liên quan đến phương tiện xe máy, còn bây giờ chủ yếu do ô tô gây ra, nhất là trên tuyến đường Lê Hồng Phong (Nha Trang). Thời gian qua, trên tuyến này có rất đông xe tải chở vật liệu xây dựng, và đã gây ra một số vụ TNGT làm chết người.
Chở vật cồng kềnh là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông (Ảnh chụp trên đường Lê Thánh Tôn - TP. Nha Trang). |
Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, Đội CSGT Công an TP. Nha Trang còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền NĐ mới tới người dân. Đơn vị đã thực hiện mô hình tuyên truyền Luật GTĐB bằng hình ảnh trực quan tại các chốt đèn tín hiệu GT. “Từ khi thực hiện việc tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, tình hình vi phạm vượt đèn đỏ giảm đáng kể. Trước đây, mỗi tháng có khoảng 300 - 400 trường hợp vi phạm, còn hiện nay chỉ có khoảng 100 trường hợp vi phạm. Người tham gia GT đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB” - ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, để Luật GTĐB đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Lâu nay, công tác tuyên truyền chỉ mới tập trung vào một số đối tượng nhất định, đó là thành phần cốt cán của các xã, phường và đại diện một số hộ gia đình. Trong khi đó, lượng người tham gia GT ngày càng đông, cán bộ làm công tác tuyên truyền còn thiếu. Do đó, người dân chỉ chấp hành Luật GTĐB khi có CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Mặt khác, công tác tuyên truyền phải làm thường xuyên, lâu dài, đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là độ tuổi thanh thiếu niên (nguy cơ tiềm ẩn gây ra TNGT cao).
Hiện nay, tại Nha Trang đang thực hiện mô hình tăng cường CSGT xuống xã, phường phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác TTATGT như: Phối hợp với lãnh đạo xã, phường xây dựng kế hoạch giải quyết tổng thể tình hình GT tại xã, phường; lập danh sách hộ, gia đình vi phạm của từng xã, phường; xây dựng biểu mẫu cam kết phát cho các hộ dân, hộ kinh doanh buôn bán; tăng cường tuần tra, xử lý, hướng dẫn các thủ tục, biểu mẫu cho xã, phường; thực hiện việc thống kê, sơ kết tổng kết, có đánh giá thi đua… Có thể nói, mô hình này đã góp phần nâng cao trách nhiệm cho người làm công tác GT và đã “kéo” được chính quyền địa phương cùng vào cuộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xử lý vi phạm theo NĐ mới còn gặp không ít khó khăn, một số lỗi khó xử phạt như: Chạy quá tốc độ; sử dụng rượu bia quá nồng độ; xử lý vi phạm các ô tô chở vật liệu xây dựng… Những lỗi này, lực lượng CSGT muốn xử phạt phải có phương tiện kỹ thuật kiểm tra (máy cân tải trọng, máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ). Tuy nhiên hiện nay, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ việc xử lý còn rất thiếu. Ngoài ra, một số lỗi vi phạm có mức xử phạt rất cao như: Chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất gia công hàng hóa, làm nơi trông giữ xe, rửa xe, đặt biển hiệu… bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng, nhưng sau gần 3 tháng thực hiện, lực lượng CSGT vẫn chưa xử lý trường hợp vi phạm nào. Nguyên nhân là do NĐ chưa quy định cụ thể mức độ xử phạt.
“Thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật GTĐB bằng hình ảnh trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền đến các trường học và đến mọi người dân tham gia GT; tăng cường lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… đưa việc chấp hành Luật GTĐB của người dân ngày càng đi vào kỷ cương, nề nếp” - ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
C.V