12:08, 13/08/2010

Từng bước kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm

Có thể nói, Nghị quyết 09 và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm là một nghị quyết có tính chiến lược và tính xã hội hóa cao, một nghị quyết cần thiết và ra đời đúng lúc đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội...

Có thể nói, Nghị quyết (NQ) 09 và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (PCTP) là một NQ có tính chiến lược và tính xã hội hóa cao, một NQ cần thiết và ra đời đúng lúc đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội về lĩnh vực PCTP. Ở Khánh Hòa, NQ trên sau 12 năm triển khai thực hiện (1998 - 2010) đã đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong quá trình PCTP…

. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến

Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo đối tượng tại gia đình và cộng đồng dân cư là một trong những nội dung quan trọng của NQ 09 và Chương trình quốc gia PCTP. Thời gian qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, việc thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại khu dân cư” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” có nhiều thuận lợi khi thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội ở các địa phương. Theo thống kê của các ngành chức năng, từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, lực lượng Công an tỉnh và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đã tổ chức quản lý, giáo dục hơn 22.000 lượt đối tượng có tiền án, tiền sự; đưa ra kiểm điểm trước nhân dân hơn 6.000 lượt đối tượng; lập hồ sơ đưa hơn 4.000 đối tượng vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Qua đó, đã có hơn 3.000 lượt đối tượng được công nhận tiến bộ; có 500 đối tượng ra đầu thú, tự thú. Thông qua 1.000 thùng thư tố giác tội phạm ở các khu dân cư, hàng năm quần chúng nhân dân đã cung cấp hơn 2.000 nguồn tin liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội; qua đó giúp lực lượng Công an điều tra làm rõ nhiều vụ án, truy bắt hơn 8.000 đối tượng (trong đó có 1.862 đối tượng có lệnh truy nã), triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm và các tụ điểm tệ nạn xã hội…

Qua những cuộc vận động trên, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình như: mô hình thực hiện 3 không (không mua bán, không sử dụng, không để phát sinh tội phạm ma túy); mô hình tuần tra khép kín địa bàn; mô hình “tiếng kẻng an ninh, chiếc gậy dân phòng”; mô hình xây dựng đường dây điện thoại nóng; mô hình tự quản các cơ sở dịch vụ du lịch… Những mô hình này đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác PCTP. Đặc biệt, cùng với các mô hình này, trong quá trình thực hiện NQ 09 và Chương trình quốc gia PCTP đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của cựu chiến binh Phạm Văn Tám ở xã Ninh Thượng (Ninh Hòa) trong một lần truy bắt tội phạm; là những cụ ông, cụ bà tuy tuổi cao nhưng rất tích cực tham gia công tác tuyên truyền vận động cai nghiện cho nhiều người ở một số phường tại TP. Nha Trang; là rất nhiều cá nhân khác dũng cảm tham gia truy bắt tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương…

. Công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm: Hiệu quả nhưng còn nhiều khó khăn

Thi hành lệnh bắt tội phạm ma túy
Hàng năm, lực lượng Công an liên tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần bảo vệ an toàn các hoạt động, sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, hoạt động của tội phạm ở địa phương cơ bản được kiềm chế và có chiều hướng giảm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 1998 đến nay đã phát hiện hơn 8.800 tội phạm hình sự, điều tra làm rõ gần 6.000 vụ; 331 vụ án xâm phạm sở hữu về quản lý kinh tế; truy tố 582 vụ với 857 đối tượng phạm tội về ma túy. Sau khi triệt phá các nhóm tội phạm Hà Lê, Hạnh Nhật, Ánh Phú…, nhìn chung đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện băng nhóm tội phạm có tổ chức phức tạp. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy ở Khánh Hòa từ năm 1998 đến nay diễn ra rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Tuy công tác đấu tranh PCTP ma túy được triển khai đồng bộ, toàn diện; hoạt động của tội phạm ma túy từng bước được kiềm chế nhưng lĩnh vực này vẫn gặp nhiều khó khăn. Bọn tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt; qua đấu tranh đã phát hiện có sự móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, khi các lực lượng càng đẩy mạnh công tác đấu tranh, càng phát hiện thêm nhiều người nghiện ma túy, điều này chứng tỏ số người nghiện ở bên ngoài xã hội chưa có hồ sơ quản lý còn nhiều; tỷ lệ người tái nghiện khá cao; một số địa bàn trọng điểm vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nếu không kiên trì đấu tranh sẽ phát sinh những điểm nóng mới về ma túy.

Thực tế cho thấy, ở một số địa phương, đơn vị… vẫn tồn tại tư tưởng xem nhiệm vụ PCTP là việc của Công an; bên cạnh đó, phong trào toàn dân tham gia PCTP triển khai chưa đồng đều… dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực này chưa được giải quyết kịp thời và triệt để. Mặt khác, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm còn xảy ra ở nhiều nơi; đã xuất hiện tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tội phạm có yếu tố người nước ngoài… gây khó khăn cho công tác PCTP. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp. Đây là những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện NQ 09 và Chương trình quốc gia PCTP. Điều này cho thấy công tác PCTP cần có sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội; cần có sự gắn kết việc thực hiện NQ 09 và Chương trình quốc gia PCTP với các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương. Mặt khác, để giải quyết những tồn tại này, công tác phòng ngừa phải đi đôi với đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCTP theo hướng đa dạng hóa, cụ thể hóa; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

HẢI NGUYỆT