65 năm trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử hào hùng của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam. Giờ đây, tìm gặp những nhân chứng lịch sử để nghe các cụ kể lại ký ức hào hùng đó thật là điều khó khăn; bởi lẽ, phần lớn các cụ đã về “cõi vĩnh hằng”.
65 năm trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử hào hùng của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam. Giờ đây, tìm gặp những nhân chứng lịch sử để nghe các cụ kể lại ký ức hào hùng đó thật là điều khó khăn; bởi lẽ, phần lớn các cụ đã về “cõi vĩnh hằng”. Những người còn lại giờ cũng đã trên dưới 80 tuổi nên hồi ức của các cụ cũng chỉ là những lát cắt rất nhỏ trong dòng chảy của lịch sử. Chính vì lẽ đó, điều mà chúng tôi băn khoăn nhất là làm sao để các thế hệ sau này có thể tiếp cận, tìm hiểu về cội nguồn lịch sử một cách sinh động nhất…
Đại tá Đỗ Anh Tịnh thay mặt đoàn đại biểu chiến sĩ 23-10 Nha Trang - Khánh Hòa tặng phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp album hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nha Trang. |
Gặp ông vào một ngày cuối tháng Tám, ông bồi hồi nhớ lại: Hồi đó, Vạn Ninh là địa phương khởi nghĩa sớm nhất trong tỉnh - đó là ngày 14-8. Lúc này, tôi khoảng 21 tuổi và đang làm công nhân chạy máy nước ở Ga Nha Trang. Nghe tin Vạn Ninh khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng không ai biết khởi nghĩa như thế nào nên anh em công nhân rủ nhau đạp xe đạp ra Vạn Giã để xem Cách mạng. Đến nơi, thấy cờ đỏ sao vàng rợp trời và một không khí tưng bừng phấn khởi không sao tả được. Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi cùng bạn bè tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi đến mức quên ăn quên ngủ. Thanh niên lo luyện tập quân sự, tổ chức các đội tự vệ vũ trang chuẩn bị kháng chiến. Chính liệt sĩ Võ Văn Ký là người đã giác ngộ và giao cho tôi đi tổ chức các đội tự vệ cũng như tham gia đội chiến sĩ tự vệ của Đại đội Võ Văn Ký và trực tiếp tham gia đánh vào Ga Nha Trang ngày 23-10.
Ông tâm sự: Hàng năm, vào những ngày này, tinh thần cách mạng sục sôi của những ngày trai trẻ lại sống lại. Đó là một niềm vui lớn, sâu sắc trong lòng mà tôi không bao giờ quên, dù đã 65 năm trôi qua; nó thật sự tạo cho tôi một nguồn vui sống mới. Có ở trong những thời khắc đen tối ngột ngạt và cực khổ của những tháng ngày nô lệ mới cảm nhận được Cách mạng Tháng Tám là một cuộc đổi đời, tạo một niềm vui lớn cho dân tộc. Quê tôi ở Thanh Hóa nhưng gia đình tôi vào Khánh Hòa từ năm 1935. Tôi xem Nha Trang - Khánh Hòa là quê hương thứ hai của mình. Chính vì thế, tôi rất vui khi thấy Nha Trang ngày càng giàu đẹp, ngày càng phát triển. Hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi là ra đi từ Nha Trang và trở về lại Nha Trang.
Bác sĩ Kiều Xuân Cư cũng là một người đã chứng kiến thời khắc hào hùng của những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Nha Trang. Năm đó, ông 25 tuổi. Cả đại tá Đỗ Anh Tịnh và bác sĩ Kiều Xuân Cư đều có chung nhận định: Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Nha Trang có một điều thật lạ. Đó là tuy không hề liên lạc được nhau nhưng giữa Hà Nội và TP. Nha Trang đều tổ chức khởi nghĩa cùng một ngày và cách thức cũng gần như nhau. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1930 - 1975) ghi: “Ngày 11-8, một cơ sở tại thị xã Nha Trang đến gặp đồng chí Nguyễn Văn Chi báo tin Nhật đã đặt vấn đề đầu hàng đồng minh. Tin ấy được cấp tốc truyền đến các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời. Đêm 12-8, các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tỉnh được triệu tập dự hội nghị tại nhà ông Nguyễn Điệp - số 45 đường Hoàng Tử Cảnh (nay là 37 Hoàng Văn Thụ) Nha Trang. Hội nghị quyết định căn cứ vào chủ trương của Trung ương, phải nắm ngay thời cơ Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh để phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh…”.
Kể về sự kiện này, bác sĩ Kiều Xuân Cư nhớ lại: Tôi may mắn là người chứng kiến và biết việc này. Hôm đó, sau khi ăn cơm chiều, tôi đến nhà bác sĩ Lê Văn Tân ở đường Nhà Thờ (đường Lê Thành Phương hiện nay) để nghe tin tức qua đài; vì hồi đó, cả Nha Trang chỉ có vài gia đình sắm được radio. Bác sĩ Lê Văn Tân là học trò của cha tôi nên ông rất thân thiết với gia đình tôi. Ông cũng là bạn học cùng trường với đồng chí Nguyễn Văn Chi (Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời tháng 4-1945, sau Cách mạng Tháng Tám là Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa). Lúc đó khoảng 6 giờ 30, phát thanh viên đài đã đọc một bản tin mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in: “9 giờ sáng nay, Nhật Hoàng đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện”. Sau khi mở rượu ăn mừng, bác sĩ Lê Văn Tân đã cùng với chúng tôi bàn cách làm sao báo cho Cách mạng. Ngay lập tức, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Hoàng (là em vợ của đồng Nguyễn Văn Chi) có mở tiệm chụp ảnh hiệu Ánh Sáng ngay tại ngã tư đường Độc Lập - Nhà Thờ (Thống Nhất - Lê Thành Phương bây giờ). Ngay lập tức, anh Hoàng đạp xe xuống nhà đồng chí Nguyễn Văn Chi ở Bình Tân - Cửa Bé để báo tin. Mấy ngày sau, tôi còn biết, bác sĩ Lê Văn Tân đã tặng cho đồng chí Nguyễn Văn Chi một khẩu súng ngắn để tiện bề hoạt động cách mạng.
Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Quần chúng chia nhau thành từng đoàn tỏa ra đi chiếm các cơ quan của chính quyền như: kho bạc, nhà đèn, các công sở… Một không khí tươi vui nhộn nhịp đã bao trùm khắp thị xã Nha Trang lúc bấy giờ. “Phải công nhận công tác tổ chức hôm đó rất hay, bố trí đâu vào đó nên cuộc khởi nghĩa đã thành công tốt đẹp. Nhưng rõ ràng, điều gì phù hợp với lòng dân thì sẽ thành sức mạnh ghê gớm không gì có thể làm lung lay được… Bác sĩ Kiều Xuân Cư trầm ngâm kết luận bằng cả sự trải nghiệm của cuộc đời gần 90 năm của ông. Nhắc về ngày Quốc khánh 2-9, ông cho biết: “Hồi đó, Nha Trang - Khánh Hòa đang chuẩn bị cho ngày 23-10 nên không tổ chức sự kiện gì. Chúng tôi chỉ nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập qua đài”.
Với tâm trạng náo nức muốn tìm hiểu thêm về những thông tin xung quanh sự kiện lịch sử trọng đại này tại Nha Trang - khánh Hòa, tôi đã đến Nhà Bảo tàng Khánh Hòa để tìm tư liệu. Thật không may, Nhà Bảo tàng đã đóng gói các hiện vật, tài liệu bảo quản để chuẩn bị sửa chữa. Ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Nhà Bảo tàng Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, Bảo tàng có một gian trưng bày về các hiện vật, hình ảnh và tư liệu về ngày khởi nghĩa 19-8 và Quốc khánh 2-9 tại Nha Trang - Khánh Hòa. Hiện vật gồm một số vũ khí tham gia cướp chính quyền như: gươm, giáo, gậy gộc của người dân năm 1945. Hình ảnh về cuộc Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội và một số hình ảnh về các đại biểu Quốc hội đầu tiên. Tuy nhiên, hiện vật và tư liệu vẫn còn nghèo nàn. Nguyên nhân là do tư liệu về giai đoạn này cực kỳ hiếm hoi. Nhân chứng lịch sử thì gần như không còn… Thêm vào đó, trong những năm qua, Bảo tàng đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên chúng tôi không còn điều kiện để trưng bày hiện vật nữa…”.
Thật lòng mà nói, mỗi năm, tôi đều rất mừng khi vẫn gặp lại Đại tá Đỗ Anh Tịnh trên truyền hình, hồng hào khỏe mạnh, giọng nói vẫn sang sảng kể về những ngày tháng cũ - những ngày tháng mà hàng triệu người Việt Nam đã bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc. Đó là hai cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài mấy chục năm với thề nguyện “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” được cất lên bằng giọng hát rực lửa và hồn nhiên của tuổi thanh niên ngày ấy. Chính vì thế, làm sao để lưu giữ được những hình ảnh, những tư liệu sống động, đặc biệt là tinh thần cách mạng “sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc” của một thời lịch sử hào hùng ấy cho các thế hệ sau học hỏi và noi theo luôn là điều trăn trở của không ít người…
BÍCH KHUÊ