02:08, 10/08/2010

Cần nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng

Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau thương mất mát cũng đang dần khép lại, nhưng những người mang trong mình di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn khắc khoải với những nỗi đau. Họ vẫn đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.

Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau thương mất mát cũng đang dần khép lại, nhưng những người mang trong mình di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn khắc khoải với những nỗi đau. Họ vẫn đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, đế quốc Mỹ đã không ngần ngại dùng đủ mọi thủ đoạn và âm mưu thâm độc. Chúng đã rải xuống nước ta hàng triệu lít chất độc hóa học chứa dioxin. Loại vũ khí hóa học nguy hiểm này đã gây đau thương cho biết bao nhiêu gia đình, để lại nhiều di chứng cho các thế hệ người dân Việt Nam. Hàng triệu người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong số đó  hàng trăm nghìn người đã chết. Các chứng bệnh nan y, dị dạng, dị tật khiến thế hệ con cháu họ phải sống trong đau khổ, nghèo khó.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành một khoản kinh phí lớn để hỗ trợ cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nhằm giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Ngày 17-1-2005, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Khánh Hòa được thành lập để cùng với các tổ chức xã hội tham gia vận động, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hàng trăm nạn nhân đã được giúp đỡ, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, học nghề, cấp phương tiện hành nghề, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân cũng tham gia giúp đỡ, góp phần cải thiện đời sống, sức khỏe và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam thông qua việc tổ chức quyên góp, giúp đỡ vật chất, xây dựng nhà tình nghĩa…

Tương lai đối với Nguyễn Thanh Bình chỉ là những tháng ngày dài trên giường, nương nhờ sự chăm sóc của người mẹ và người cha già yếu.

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 9.151 người bị phơi nhiễm chất độc da cam; trong đó có 2.049 người bị phơi nhiễm do trực tiếp tham gia kháng chiến, 770 người bị phơi nhiễm là số con đẻ của người trực tiếp tham gia kháng chiến, 4.017 người bị phơi nhiễm là dân thường và 2.315 người bị phơi nhiễm là con đẻ của dân thường. Trong số đó, có hàng trăm người đã chết do các căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 807 nạn nhân đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Cụ thể, TP. Nha Trang có 464 nạn nhân, Ninh Hòa 94 nạn nhân, Vạn Ninh 46 nạn nhân, Khánh Vĩnh 70 nạn nhân, Khánh Sơn 19 nạn nhân, Cam Lâm 16 nạn nhân và thị xã Cam Ranh 43 nạn nhân. Trên địa bàn tỉnh còn nhiều nạn nhân đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. 

Đến thăm gia đình nạn nhân Nguyễn Thanh Bình (12 Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang), chúng tôi mới biết được nỗi đau của em và gia đình. Năm nay, Bình đã bước sang tuổi 20 - lứa tuổi đẹp nhất của đời người với nhiều ước mơ, hoài bão và những dự định tương lai. Thế nhưng, tương lai đối với Bình chỉ là những tháng ngày dài nằm trên giường bệnh, bởi tay và chân của em đều teo tóp, thường hay co giật. Tất cả sinh hoạt của Bình đều phải dựa vào sự chăm sóc của người mẹ già 65 tuổi và người cha già 83 tuổi. Bà Trần Thị Liên - mẹ của Bình cho biết: “Ngày mới sinh ra, trông Bình rất kháu khỉnh và khỏe mạnh. Thế nhưng được hơn 18 tháng, em phát bệnh, đi khám các bác sĩ kết luận em là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Khi nghe tin này, tôi bàng hoàng, suy sụp…”. Từ ngày đó đến nay, Bình phải sống với những cơn co giật. Niềm vui và hy vọng lớn nhất của gia đình bà Liên là cô con gái lành lặn, đang theo học Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Giờ đây, sự quan tâm giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, bà con lối xóm chính là nguồn động viên, an ủi lớn để gia đình bà có thêm nghị lực trong cuộc sống…

Ông Trần Quang Tuyến - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: “Nhờ có sự quan tâm trợ cấp, ủng hộ của Đảng, Nhà nước và một số nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp như: Công ty TNHH Tâm Hương, Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Nhà nước một thanh viên Yến sào Khánh Hòa, Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang… nên cuộc sống của các nạn nhân có phần vơi bớt khó khăn. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn nhiều người tỏ thái độ kỳ thị đối với các nạn nhân chất độc da cam. Bên cạnh đó, đối với những người làm công tác Hội ở các xã, phường trên địa bàn tỉnh, do vẫn chưa có kinh phí hoạt động nên dẫn đến việc tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn. Để các nạn nhân chất độc da cam có thêm niền tin vượt qua những nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa để người nhiễm chất độc da cam/dioxin có được sự động viên, an ủi, chia sẻ từ phía cộng đồng”.

VĂN GIANG

 
Lời kêu gọi của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Khánh Hòa

Hãy đến với nạn nhân chất độc da cam, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Đến với nạn nhân chất độc da cam là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người và ở đây, tính bản thiện của mỗi con người được thể hiện rõ nhất; cũng chính ở đây, lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm được tôn vinh.