04:08, 19/08/2010

Đi lên từ truyền thống cách mạng

Trong kháng chiến, quân và dân xã Ninh Hà (Ninh Hòa, Khánh Hòa) với ý chí kiên cường, bất khuất đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đồng tâm hiệp lực chống giặc ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Ninh Hà tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Trong kháng chiến, quân và dân xã Ninh Hà (Ninh Hòa, Khánh Hòa) với ý chí kiên cường, bất khuất đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đồng tâm hiệp lực chống giặc ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Ninh Hà tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

. Xưa kiên cường đánh giặc ngoại xâm…

Ngay từ những năm 1930, tiếp thu đường lối cách mạng (CM) của Đảng người dân Ninh Hà đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình vào huyện đường Tân Định (nay là huyện Ninh Hòa) và giành thắng lợi. Từ đó, phong trào CM ở Ninh Hà được cổ vũ và phát triển rộng khắp.

Trong kháng chiến chống Pháp, Ninh Hà là một vùng đệm giáp với chiến khu Hòn Hèo, nơi tập trung của lực lượng vũ trang, dân quân du kích, các tổ chức đoàn thể cứu quốc. Quân ta đã thành lập chính quyền, các đoàn thể CM để lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch và hăng hái tiếp tế lương thực, thực phẩm, bảo vệ an toàn cho hành lang căn cứ kháng chiến Hòn Hèo. Ngoài ra, còn huy động hàng trăm lượt ghe, thuyền của 2 thôn Tân Tế và Hà Liên vượt đầm Nha Phu, ngày đêm túc trực tại sông Tam Ích (đèo Rọ Tượng) làm nhiệm vụ chuyển chiến lợi phẩm của bộ đội ta thu được về hậu cứ.

Cơ sở hạ tầng xã Ninh Hà ngày càng khang trang và giàu đẹp.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất và truyền thống đấu tranh CM của nhân dân Ninh Hà được phát huy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Ninh Hà kiên quyết chống lại chính sách “Tố cộng, diệt cộng” của địch bằng thái độ “không nghe, không biết, không thấy…”, tìm đủ mọi cách che giấu, nuôi dưỡng cán bộ CM. Lúc đó, toàn xã có 9 cơ sở có hầm bí mật và nhiều gia đình đã dùng nhà mình để nuôi giấu thương binh, bảo vệ cán bộ CM, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ và đội công tác nằm vùng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch.

Có thể nói, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Ninh Hà đã đoàn kết đương đầu với địch, làm cho địch không thực hiện được âm mưu, ý đồ chiến lược. Sau ngày đất nước giải phóng, Ninh Hà có 4 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 2005, xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

. … nay xây dựng quê hương giàu mạnh

Sau ngày đất nước giải phóng, cũng như các địa phương khác trong huyện, xã Ninh Hà gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, hơn 50% người dân thiếu đói, mặt bằng dân trí thấp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì… Thế nhưng, với truyền thống vốn có, qua 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng xã Ninh Hà vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về an ninh quốc phòng.

Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, Ninh Hà đã có những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện, an ninh chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Nhất là 5 năm trở lại đây, tổng thu nhập toàn xã tăng từ 40 tỷ đồng (năm 2005) lên 64 tỷ đồng (năm 2009). Tỷ lệ cơ cấu lao động xã hội có sự chuyển dịch mạnh mẽ, số lao động nông nghiệp chuyển dần sang sản xuất công nghiệp tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh ngày càng nhiều. Đến năm 2009, tỷ trọng lao động phi nông nghiệp chiếm hơn 60%. Trong phát triển nông nghiệp, xã luôn tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang bị máy móc, phương tiện cơ giới, nhân giống mới có năng suất. Nhờ thế, năng suất, sản lượng lúa hàng năm đều tăng (năm 2005, sản lượng thu hoạch đạt 1.786 tấn, đến năm 2009 tăng lên 3.488 tấn). Ngoài ra, nuôi trồng, đánh bắt hải sản trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến nay, tổng sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 410 tấn/năm, khai thác đạt 110 tấn/năm. Chính vì thế, năm 2009, thu ngân sách của xã đạt 5,26 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người khoảng 8 triệu đồng/người/năm. Tính đến cuối năm 2009, toàn xã không còn hộ đói, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh còn 10,75%. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng chính sách thường xuyên được chính quyền xã quan tâm.

Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, giao thông liên thôn… của xã được đầu tư xây dựng kiên cố. Ngoài ra, xã đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển giáo dục nên số học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học hàng năm rất cao. Trung bình, mỗi năm có từ 30 đến 40 em đậu vào các trường cao đẳng, đại học.

Nói về định hướng phát triển của xã trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Rớt - Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Ninh Hà sẽ tiếp tục được xây dựng để phát triển mạnh, toàn diện về mọi mặt, gắn với quy hoạch phát triển thị xã Ninh Hòa. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 chuyển dịch theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 80%. Xã đầu tư sản xuất 2 ngành chủ lực là cây lúa và nuôi trồng thủy sản, đưa giá trị thu nhập đạt 70 triệu đồng/ha/năm, quy hoạch vùng chuyên canh cây lúa 50ha đạt 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích các gia đình đầu tư cho con em học tập nâng cao trình độ…”.

C.V