Mới đây, các nhà cung cấp dịch vụ di động đồng loạt giảm giá cước với mức giảm từ 10 đến 15% so với trước. Tuy nhiên, những mức giảm cao nhất vẫn thuộc về các thuê bao trả trước và có vẻ như đợt giảm cước này vẫn thiên về mục tiêu phát triển thuê bao nhiều hơn là nhiệm vụ chăm sóc khách hàng trung thành...
Mới đây, các nhà cung cấp dịch vụ di động đồng loạt giảm giá cước với mức giảm từ 10 đến 15% so với trước. Tuy nhiên, những mức giảm cao nhất vẫn thuộc về các thuê bao trả trước (TBTT) và có vẻ như đợt giảm cước này vẫn thiên về mục tiêu phát triển thuê bao nhiều hơn là nhiệm vụ chăm sóc khách hàng trung thành (thuê bao trả sau - TBTS).
Cuối tháng 7-2010, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức giảm cước thông tin di động của mình ở mức giảm từ 10 - 15%. Gần nửa tháng sau, từ ngày 10-8, VinaPhone và Mobifone cũng chính thức giảm cước với mức giảm tương tự. Hẳn nhiên, trong đợt giảm cước này, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi. Thế nhưng, khi phân tích kỹ hơn các hình thức, mức giảm đối với từng loại thuê bao, hầu hết TBTT đều có mức giảm lớn hơn so với các TBTS.
Ở Viettel, trong khi các gói trả trước đều giảm từ 10 - 15% thì mức giảm đối với TBTS chỉ từ 8 - 11%. Cụ thể trong các TBTT: có 5 gói cước gọi nội mạng được giảm gần 15%, từ 1.390 đồng xuống còn 1.190 đồng/phút (giảm 200 đồng/phút), 6 gói cước gọi ngoại mạng được giảm bình quân khoảng 13%. Trong khi đó, chỉ có 1gói cước của TBTS được giảm ở mức 11% (gói VIP gọi nội mạng giảm từ 890 đồng/phút xuống 790 đồng/phút), còn lại chỉ giảm từ 8 đến 10% đối với các cuộc gọi nội mạng.
Ngay sau đó, 2 “anh em” VinaPhone và Mobifone cũng đều áp dụng mức cước mới, thấp hơn giá cước cũ từ 5 đến 15%. Tương tự như Viettel, các gói cước trả sau của VinaPhone và Mobifone đều có mức giảm từ 9 đến 11%, trong khi hầu hết các gói trả trước đều giảm từ 11 đến 15%. Nói cách khác, trong đợt giảm cước này, cả 3 nhà mạng đều giảm từ 100 đến 200 đồng/phút gọi. Hầu hết các gói trả trước được giảm 200 đồng/phút, trong khi các TBTS chỉ được giảm 100 đồng/phút.
Đợt giảm cước chủ yếu nhằm vào thuê bao trả trước. |
Ngoài việc được giảm ở mức cao hơn, các TBTT còn được hưởng các đợt khuyến mại tặng 100% giá trị thẻ nạp đang được áp dụng một cách thường xuyên hiện nay. Rõ ràng, quyền lợi của các TBTS đã không được quan tâm một cách đúng mức.
Ai cũng hiểu rằng, TBTS mới chính là nòng cốt đánh giá thực chất mức độ phát triển bền vững của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Tuy nhiên, sau một quá trình dài phát triển thuê bao dưới hình thức chủ yếu là khuyến mại thẻ nạp, con số thống kê đến hết tháng 6-2010 cho thấy, số thuê bao điện thoại di động cả nước đạt khoảng 151 triệu thuê bao; Nếu so với tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động (dưới 50%), thì bình quân mỗi người đang sở hữu gần 4 số thuê bao di động. Bài toán “thuê bao ảo” đã và đang làm đau đầu các nhà cung cấp dịch vụ và bất kỳ nhà mạng nào cũng muốn phát triển TBTS (hiện chiếm khoảng 15%), nhưng đợt giảm cước mới đây nhất tiếp tục tạo nên nghịch lý.
Như vậy có thể hiểu, sau khi hoạt động khuyến mại được siết chặt và áp dụng từ tháng 7-2010, không còn cảnh khuyến mại (chủ yếu là tặng tiền khi nạp thẻ) xô bồ, các nhà mạng đã tìm cách phát triển thuê bao của mình theo hướng giảm cước cuộc gọi, nhưng phần lớn nhằm vào đối tượng TBTT.
Cước viễn thông giảm, khách hàng được hưởng lợi. Lẽ ra, những TBTS - khách hàng trung thành phải được đối xử công bằng hơn, chí ít là ngang hàng với các TBTT.
HỒNG ĐĂNG