12:08, 17/08/2010

Biếng ăn ở trẻ em - những điều cần biết

Biếng ăn là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt trẻ từ 1 - 3 tuổi, tỷ lệ biếng ăn có thể lên đến 30 - 40%. Vậy, vì sao trẻ biếng ăn và làm thế nào để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ?

Biếng ăn là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt trẻ từ 1 - 3 tuổi, tỷ lệ biếng ăn có thể lên đến 30 - 40%. Vậy, vì sao trẻ biếng ăn và làm thế nào để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ?

. Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn

Một số bà mẹ luôn nghĩ rằng: thịt, cá là món bổ dưỡng nhất, vì vậy đã cho quá nhiều thịt cá vào bữa ăn của trẻ. Thật ra, thịt cá tuy quan trọng nhưng nó phải được bổ sung với một lượng phù hợp, cho quá nhiều thịt vào chén bột (hay cháo) không những làm mất cân đối giữa các thành phần thức ăn mà còn làm cho chén bột trở nên “lợn cợn” khó nuốt.

Có nhiều bà mẹ lại không cho rau, quả vào chén bột, sợ trẻ khó tiêu; trong khi đó, rau quả là những loại thức ăn rất quan trọng, cung cấp các loại vitamin cho cơ thể trẻ. Rau quả còn tạo nên mùi vị thơm ngon giúp trẻ dễ ăn hơn, đồng thời tạo nên nhiều màu sắc cho chén bột như: màu xanh của rau, màu vàng của bí ngô, cà rốt… thu hút sự chú ý của trẻ.

Dầu, mỡ cũng là một trong những loại thức ăn quan trọng đối với trẻ, nhưng nhiều bà mẹ không cho vào vì sợ khó tiêu. Họ không hề biết rằng, dầu, mỡ cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu như: vitamin A, D, E… Dầu, mỡ còn làm mềm thức ăn, dễ ăn hơn.

Cần nhớ rằng, trẻ cũng có vị giác, cũng cảm nhận được sự ngon - dở của các món ăn, biết thích ăn món này và không thích món kia. Do vậy, ngoài việc có một bữa ăn phong phú, đa dạng các loại thực phẩm thì các bà mẹ cũng cần thay đổi thực đơn hàng ngày cho trẻ, tránh cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Tập cho trẻ quen dần với mùi vị các loại thức ăn ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì lúc này, vị giác của trẻ chưa thật sự hoàn thiện, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận các loại thức ăn mùi vị khác nhau, giúp trẻ có thói quen ăn được nhiều loại thức ăn khi lớn lên.

. Biếng ăn do tâm lý

Đây cũng là một nguyên nhân khá phổ biến, do cha mẹ không hiểu tâm sinh lý của trẻ. Bữa ăn của trẻ cần được thoải mái, thích thú để giúp trẻ khám phá thế giới qua các giác quan của mình như: vị giác, kèm xúc giác được cầm, nắm, xúc thức ăn hoặc thị giác với các ly chén đĩa ngộ nghĩnh, màu sắc của thức ăn với một không khí thoải mái có ánh mắt, nụ cười của người thân. Nếu bữa ăn của trẻ luôn bị gò ép, thậm chí la hét, nhồi nhét tạo nên một không khí căng thẳng làm trẻ chán ăn, cảm thấy “sợ” khi bữa ăn đến. Đôi khi biếng ăn bắt đầu từ sự chăm sóc quá kỹ của các bà mẹ. Đa số trẻ này thường ăn rất chậm; đôi khi mỗi bữa ăn kéo dài hơn một giờ, trẻ chưa kịp nghỉ ngơi thì mẹ đã vội vàng cho ăn bữa ăn khác vì sợ trẻ đói. Vì vậy, lúc nào trẻ cũng cảm giác bị buộc ăn và càng biếng ăn.

. Biếng ăn do bệnh lý

Trẻ nhỏ trong những năm đầu đời thường bị bệnh vặt như: sốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Cứ khoảng vài ngày khỏe lại có một vài ngày bị bệnh trở lại. Ngay từ giai đoạn ủ bệnh, khi trẻ chưa có triệu chứng bệnh rõ đã bắt đầu biếng ăn. Khi trẻ bị bệnh cần chú ý cho trẻ ăn lỏng, từng ít một và ăn nhiều lần. Sau mỗi đợt bệnh cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa để nhanh phục hồi sức khỏe, giảm tình trạng suy dinh dưỡng. Với những trẻ suy dinh dưỡng, cơ thể sẽ thiếu một loạt các vi chất dinh dưỡng như: kẽm, sắt, vitamin A, protein… Việc thiếu các chất này cũng gây tình trạng biếng ăn và ngược lại biếng ăn lại làm nặng thêm tình trạng suy dinh dưỡng, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Do vậy, việc phục hồi dinh dưỡng cho những trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ.

. Biếng ăn do các nguyên nhân khác

Có nhiều trẻ khỏe mạnh bình thường, các bậc phụ huynh khi chế biến thức ăn cho trẻ có chú ý đến việc thay đổi món, thay đổi khẩu vị, nhưng trẻ vẫn không chịu ăn. Đây chính là vấn đề khó giải quyết nhất cho các bà mẹ, bởi vì không tìm được nguyên nhân nào để khắc phục. Với những trẻ này, cha mẹ phải chú ý cho trẻ ăn từng ít một, ăn nhiều lần, cố gắng tìm xem trẻ thích ăn những thức ăn gì để chế biến cho trẻ ăn, đồng thời tập cho trẻ quen dần với mùi vị các loại thức ăn khác.

Có những trẻ bỗng nhiên ít ăn hẳn đi trong vòng vài ngày đến vài tuần mà vẫn vui chơi bình thường. Các thời điểm này thường trùng với lúc trẻ học các kỹ năng mới: ngồi, đứng, đi, học nói… Sau đó, trẻ lại ăn uống bình thường. Trong những giai đoạn này, các bậc phụ huynh đừng ép trẻ ăn quá mức dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm lý. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ ăn vặt trước các bữa ăn, vì trẻ sẽ có cảm giác “đầy bụng” khi vào bữa ăn chính, dần dần sẽ tạo nên tình trạng biếng ăn ở trẻ.

Khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ đôi khi là một vấn đề khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì của các bậc phụ huynh trong việc chế biến bữa ăn và chăm sóc trẻ.

Bác sĩ TÔN THẤT TOÀN