Ngày 12-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế Quyết định 67/1999/QĐ-TTg. NĐ 41 ra đời đánh dấu sự thay đổi quan trọng của chính sách Nhà nước...
Ngày 12-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp (NN), nông thôn (NT), thay thế Quyết định 67/1999/QĐ-TTg. NĐ 41 ra đời đánh dấu sự thay đổi quan trọng của chính sách Nhà nước đối với tín dụng NN, NT. Về cơ bản, NĐ này đã khắc phục được những bất cập của Quyết định 67 sau hơn 10 năm thực hiện.
NĐ 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN, NT đã kế thừa những kết quả tích cực của Quyết định 67/1999/QĐ-TTg. Quan trọng hơn, NĐ 41 đã bổ sung, sửa đổi để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Quyết định 67 và đưa ra những chính sách ưu đãi mới nhằm khơi thông nguồn vốn “chảy” về NT. NĐ này cũng quy định cụ thể các đối tượng được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực NN, NT bao gồm: hộ gia đình; hộ kinh doanh; cá nhân; chủ trang trại; hợp tác xã; tổ hợp tác; tổ chức và cá nhân cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, cung ứng dịch vụ có cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn NT.
Nghị định 41 với những chính sách ưu đãi mới và cơ chế thông thoáng sẽ giúp khách hàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn. |
Quy định về nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng có thể coi là một điểm mới của NĐ 41 với 4 nguồn vốn gồm: nguồn vốn huy động; vốn vay, nhận tài trợ, ủy thác; nguồn vốn ủy thác của Chính phủ và vốn vay Ngân hàng Nhà nước thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Với việc bổ sung thêm nguồn vốn vay Ngân hàng Nhà nước và không quy định việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước như Quyết định 67, NĐ 41 đã tách bạch hoạt động cho vay bằng vốn ngân sách nhà nước cho các đối tượng chính sách theo các chương trình kinh tế của Chính phủ ở NT được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch lãi suất.
Mức vay tín chấp theo NĐ 41 đã tăng tới 5 lần so với quy định tại Quyết định 67 (từ 10 triệu đồng lên 50 triệu đồng). Cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 50 triệu đồng. Các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ NN, NT có thể vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 200 triệu đồng. Các hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 500 triệu đồng. Lãi suất cho vay xác định rõ, cụ thể hơn. NĐ 41 cũng tạo điều kiện hơn cho khách hàng vay vốn trong trường hợp khách hàng vay không có tài sản đảm bảo và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 5, Điều 8 của NĐ này, khách hàng được sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã nếu chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Khách hàng cũng được ưu đãi khi không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.
Một điểm mới nữa được thể hiện ở những quy định cụ thể về nguyên tắc trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro. Nhờ đó, khi có rủi ro không phải kiến nghị biện pháp xử lý trình Thủ tướng Chính phủ quyết định như Quyết định 67. Điều này thể hiện sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong hoạt động của mình, không trông chờ vào quyết định của nhà nước. Ngoài ra, NĐ 41 cũng có thêm quy định cụ thể về chính sách ưu đãi, miễn, giảm lãi suất đối với khách hàng tham gia bảo hiểm theo hướng áp dụng mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất cho vay tương ứng đối với khách hàng không mua bảo hiểm. Quy định này sẽ khuyến khích khách hàng tích cực tham gia mua bảo hiểm trong NN.
Một điểm mới khác đó là những quy định khá rõ về nguyên tắc và quy trình xử lý nợ vay trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng. Trường hợp có thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng, theo quy định tại khoản 2, Điều 10 của NĐ 41, tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ không tính lãi cho người vay tối đa là 2 năm đối với dư nợ hiện còn tại thời điểm khoanh nợ và số lãi tổ chức tín dụng đã khoanh được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế của tổ chức tín dụng. Quy định này thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng khi tham gia phục vụ NN, NT và cũng là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực NN, NT trong các trường hợp bất khả kháng. NĐ cũng quy định cụ thể trường hợp khách hàng gặp khó khăn về tài chính do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…) chưa trả được nợ đúng hạn, tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng theo quy định…
Những quy định cụ thể của NĐ này đã tạo điều kiện cho các chủ thể này chủ động trong việc triển khai các chức năng, nhiệm vụ được phân công, tạo cơ chế phối hợp giữa các đơn vị và tránh sự bất cập, chồng chéo giữa các cơ quan. Đồng thời, hạn chế việc phải trình Chính phủ quyết định đối với các trường hợp cụ thể. Nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều triển khai kịp thời và thực hiện nghiêm túc, đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quy định tại NĐ này, chắc chắn các chính sách phát triển NN, NT sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
BÍCH KHUÊ