Những ngày qua, tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, số trẻ nhập viện do bị viêm đường hô hấp dưới (hay còn gọi là viêm phổi) tăng khá cao. Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở phổi. Đây là một bệnh lý hô hấp thường gặp, và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Những ngày qua, tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, số trẻ nhập viện do bị viêm đường hô hấp dưới (hay còn gọi là viêm phổi) tăng khá cao. Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở phổi. Đây là một bệnh lý hô hấp thường gặp, và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Theo thống kê sơ bộ của Khoa Nhi BVĐK tỉnh, những ngày qua, bình quân mỗi ngày có khoảng 40 trẻ nhập viện do nhiễm khuẩn đường hô hấp, trong đó có từ 10 đến 20 ca được chẩn đoán bị viêm phổi. Một số ca bị biến chứng nặng, nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Cụ thể như: cháu Nguyễn Phạm Trưởng (5 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở mệt, thở rên, thở nhanh, xuất tiết dịch trong phổi. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi nặng. Sau khi được điều trị kịp thời với kháng sinh tiêm tĩnh mạch, hạ sốt, giãn phế quản, sức khỏe của cháu dần ổn định và đang tiếp tục được theo dõi. Cháu Nguyễn Quốc Chí (15 tháng tuổi), sau 2 ngày điều trị ở nhà không khỏi, cháu được đưa vào BV với tình trạng bị co giật, sốt cao, thở nhanh, phổi đầy dịch; đi cầu lỏng, nhầy; được bác sĩ chẩn đoán là viêm phổi biến chứng co giật do sốt cao. Sau khi cho thở oxy, cắt cơn co giật và được điều trị với thuốc kháng sinh tĩnh mạch, hạ sốt…, sức khỏe của cháu dần ổn định. Cháu Nguyễn Đức Gia Huy (2 tuổi), cháu Phan Quý Ngân (23 tháng tuổi)… cũng nhập viện trong tình trạng tương tự. Nhờ được điều trị kịp thời, các cháu đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe ổn định, một số cháu được xuất viện về nhà.
|
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm phổi có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ (Trong ảnh: Bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang khám và điều trị cho trẻ mắc bệnh viêm phổi). |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có gần 13 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới tử vong, trong đó có khoảng 4,3 triệu trẻ chết vì viêm phổi. Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 20.000 trẻ tử vong do viêm phổi. Vậy làm thế nào để phát hiện và điều trị sớm viêm phổi ở trẻ em, nhất là khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa - một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi? Bác sĩ Nguyễn Bình Liên Cát, Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết: Nguyên nhân của căn bệnh này là do vi rút và vi khuẩn gây nên. Yếu tố thuận lợi để bệnh bùng phát là khi thời tiết thay đổi trong những tháng giao mùa. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây bệnh còn do vấn đề ô nhiễm môi trường, nhà cửa ẩm thấp, khói thuốc lá… Giai đoạn đầu của bệnh viêm phổi, trẻ có thể sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc… Nếu không được điều trị đúng và theo dõi sát, diễn biến bệnh sẽ nặng hơn và dễ dẫn đến tử vong. Thông thường, vi khuẩn gây bệnh cho trẻ sơ sinh và những trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu. Để phát hiện trẻ bị viêm phổi và điều trị kịp thời, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu sau: Khi trẻ bị viêm phổi, phổi của trẻ sẽ mất tính mềm mại và không thể giãn nở dễ dàng khi trẻ hít thở. Hậu quả, trẻ có thể bị thiếu oxy. Vì vậy, trẻ buộc phải thở nhanh hơn để bù đắp lại sự thiếu hụt này. Dấu hiệu giúp chúng ta biết được trẻ có bị viêm phổi hay không là bằng cách đếm nhịp thở của trẻ (tốt nhất khi trẻ ngủ hoặc nằm im) trong 1 phút để xem trẻ có thở nhanh hay không (thở nhanh: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng; từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 đến 11 tháng; từ 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi). Nếu xác định trẻ có triệu chứng thở nhanh, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Khi viêm phổi diễn tiến nặng, phổi sẽ ngày càng mất tính mềm mại, có thể trở nên đặc cứng làm trẻ phải gắng sức nhiều để thở. Các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành - một loại cơ hô hấp ngăn đôi ngực và bụng, phải tăng cường co bóp để bù đắp. Khi đó, phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ bị cơ này kéo lõm xuống khi trẻ hít vào. Nếu phát hiện các dấu hiện trên, cần đưa trẻ nhập viện ngay để điều trị, vì đó là dấu hiệu cho thấy bệnh viêm phổi đã chuyển sang giai đoạn nặng. Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm cho biết trẻ đang trong tình trạng nguy kịch, cần đưa trẻ đi BV cấp cứu ngay lập tức. Những dấu hiệu này không chỉ có ở bệnh viêm phổi mà còn có thể có trong nhiều loại bệnh nặng khác cũng cần được cấp cứu kịp thời, gồm các trường hợp: trẻ dưới 2 tháng bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì - khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè; trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi không thể uống được gì, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng.
Để phòng, tránh căn bệnh này, các bác sĩ khuyên: nơi ở phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, súc miệng hàng ngày với trẻ lớn; cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu viêm phổi do vi-rút có thể gây thành dịch nguy hiểm ở trẻ càng nhỏ thì diễn biến bệnh càng nhanh, càng nặng. Do vậy, khi phát hiện trẻ bị bệnh, các bậc phụ huynh cần tiến hành hạ sốt cho trẻ, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, tránh lây lan cho người khác, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.
THẢO LY