02:08, 02/08/2010

Cần cải tiến phương thức tuyển dụng giáo viên

Suốt 2 tháng nay, hầu như ngày nào cũng có các cuộc điện thoại gọi vào số máy của Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa với nội dung bao giờ tuyển dụng giáo viên cho năm học 2010 - 2011?

Suốt 2 tháng nay, hầu như ngày nào cũng có các cuộc điện thoại gọi vào số máy của Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa với nội dung bao giờ tuyển dụng giáo viên (GV) cho năm học 2010 - 2011? Còn ở bộ phận “một cửa” của Sở GD-ĐT thì tấp nập người đến hỏi mua hồ sơ tuyển dụng GV. Năm nào cũng vậy, khi năm học mới sắp bắt đầu, nhu cầu kiếm việc làm của các sinh viên (SV) mới ra trường lại “nóng”.

Ngày 25-7, Sở GD-ĐT bắt đầu phát hành hồ sơ tuyển dụng GV. Theo kế hoạch, năm học 2010 - 2011, toàn ngành cần tuyển thêm 1.495 cán bộ, GV, nhân viên. Trong đó, riêng GV là 889 người (mầm non: 106, tiểu học: 488, trung học cơ sở - THCS: 98 và trung học phổ thông - THPT: 197). Ngoài ra, còn có 47 GV - Tổng phụ trách Đội và 23 GV hướng nghiệp dạy nghề. Về nguồn đào tạo, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, số lượng SV mới tốt nghiệp ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm nay có 101 GV tiểu học, 126 GV THCS và hơn 100 GV THCS chưa có nhiệm sở đã được bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm tiểu học. Nguồn GV mầm non đã có “lò” đào tạo của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cung ứng. Còn đối với cấp THPT thì theo kinh nghiệm của các năm trước, ngoài SV người Khánh Hòa còn có rất nhiều hồ sơ dự tuyển của SV các địa phương khác “đầu quân”. “Năm nay, cấp tiểu học sẽ khá “căng” về nguồn GV. Không biết sẽ có chủ trương tuyển dụng người tỉnh ngoài hay chờ số SV tốt nghiệp các năm tới của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang bổ sung dần?” - bà Quỳnh Trâm nói.

 Các trường ở khu vực miền núi luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.
Nhiều năm nay, việc tuyển dụng GV ở Khánh Hòa được thực hiện theo phương thức xét tuyển công khai, chủ yếu dựa vào kết quả học tập, rèn luyện của SV ở các trường đại học, cao đẳng và các chế độ ưu tiên khác (như người dân tộc thiểu số, con thương binh - liệt sĩ, có hộ khẩu thường trú tại địa phương…). Cách tuyển dụng này cơ bản đảm bảo tính khách quan, công bằng, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ; ngay chính những người không đạt được nguyện vọng cũng phải thừa nhận là hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, cách tuyển dụng GV của Khánh Hòa hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, cần phải xem xét, điều chỉnh để vừa tạo thuận lợi cho người tìm việc, vừa đảm bảo yêu cầu bố trí GV đồng bộ, kịp thời hơn trong phạm vi toàn ngành.

Theo Quyết định 78/2008/QĐ của UBND tỉnh, việc tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT được phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp xét tuyển. Các cơ quan quản lý trực tiếp (Sở GD-ĐT và các Phòng GD-ĐT) chỉ phê duyệt kế hoạch và quyết định công nhận kết quả. Phương thức này đảm bảo nguyên tắc phân cấp quản lý GD, nhưng trong thực tế lại làm phát sinh tình trạng “chia cắt” thông tin về tuyển dụng GV giữa các địa phương cũng như giữa các Phòng GD-ĐT với Sở GD-ĐT. Thực tế nhiều năm qua, cứ đến mùa xét tuyển GV, người ta lại thấy SV tốt nghiệp sư phạm chạy đôn chạy đáo khắp các Phòng GD-ĐT để “dò” chỉ tiêu; nếu nơi nào có nhu cầu thuộc ngành đào tạo của mình thì “cắm” lại mỗi nơi một bộ hồ sơ. Thế nhưng, đến khi công bố kết quả thì có khi người có tên trong danh sách trúng tuyển đã nhận nhiệm sở ở nơi khác, còn người cần việc làm thực sự lại bị trượt. Người may mắn trúng tuyển vất vả, tốn kém đã đành, người không trúng tuyển lận đận không kém. Họ không chỉ tốn kém về tiền bạc, công sức mà sau khi thất bại ở vòng 1, do không biết nơi nào còn nhu cầu tuyển dụng nên họ đành “tua” lại vòng 2 ở các Phòng GD-ĐT… và kết cục có khi lại diễn ra y như vòng 1. Cũng do không có đầu mối quản lý thống nhất nên đã từng xảy ra trường hợp 1 người trúng tuyển ở 2 địa phương, làm GV cùng lúc 2 trường phổ thông công lập ở Nha Trang và Ninh Hòa!

Tình trạng này sẽ không xảy ra nếu như có người tập hợp, cập nhật chỉ tiêu tuyển dụng cũng như kết quả xét tuyển GV từng đợt của các trường học, các địa phương trong toàn tỉnh rồi “tải” lên website của Sở GD-ĐT. Việc làm này không khó, vì Sở đã triển khai Đề án Tin học hóa quản lý GD từ mấy năm nay. Tin chắc rằng, nếu có điều kiện nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời thì những SV tự thấy mình còn “non” về tiêu chuẩn tuyển dụng cũng có thể lựa chọn nhiệm sở vừa sức hơn ở các huyện miền núi và các địa bàn ít thuận lợi. Khi ấy, sự điều tiết GV trên phạm vi toàn tỉnh sẽ diễn ra một cách tự nhiên và tình trạng mất đồng bộ, nhất là việc thừa, thiếu GV giữa các địa phương sẽ sớm được khắc phục trong một thời gian không xa.

Công việc tuyển dụng GV năm nào cũng có, không phải là việc đột xuất, bất thường nhưng dường như năm nào cũng chậm; có địa phương đến giữa học kỳ 1 mà GV vẫn chưa được về trường để nhận công tác. Nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông nói rằng, giá như việc tuyển dụng GV hoàn thành trong tháng 7 để đầu tháng 8 hàng năm, các GV mới về nhận nhiệm sở cùng các GV cũ đi dự những lớp tập huấn chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của ngành; rồi đến ngày tựu trường, khai giảng đã có công việc ổn định như các thầy cô giáo khác để hiệu trưởng không phải thay đổi thời khóa biểu, không phải điều chỉnh phân công công tác giữa chừng… thì hay biết mấy!

LÊ VĂN