09:08, 16/08/2010

Định hướng để giáo dục trẻ

Thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh cũng như các chuyên gia giáo dục về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-9-2010.

Thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh cũng như các chuyên gia giáo dục về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quy định, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-9-2010.

Theo Thông tư 23/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực, 28 chuẩn và 120 chỉ số. Đây là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1.

Cụ thể: Về phát triển thể chất, trẻ em 5 tuổi có thể ném và bắt bóng bằng hai tay từ khoảng cách xa 4m; tự mặc và cởi được áo; nhảy lò cò ít nhất 5 bước liên tục, đổi chân theo yêu cầu; đập và bắt được bóng bằng 2 tay; biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn; tự rửa mặt, chải răng hàng ngày; biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm... Về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, trẻ 5 tuổi phải nói được một số thông tin quan trọng về bản thân và gia đình; nói được khả năng và sở thích riêng của bản thân; bộc lộ cảm xúc của bản thân bằng lời nói, cử chỉ và nét mặt; có thói quen chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi và xưng hô lễ phép với người lớn... Đối với phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi yêu cầu trẻ biết kể về một sự việc, hiện tượng nào đó để người khác hiểu được; kể lại được nội dung chuyện đã nghe theo trình tự nhất định; nghe hiểu nội dung câu chuyện, thơ, đồng dao, ca dao dành cho lứa tuổi của trẻ; biết kể chuyện theo tranh; nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt... Về phát triển nhận thức, trẻ 5 tuổi có thể gọi tên nhóm cây cối, con vật theo đặc điểm chung; nói được một số đặc điểm nổi bật của các mùa trong năm nơi trẻ sống; kể được một số địa điểm công cộng gần gũi nơi trẻ sống; hát đúng giai điệu bài hát trẻ em; nhận biết con số phù hợp với số lượng trong phạm vi 10; gọi tên các ngày trong tuần theo thứ tự; nói được ngày trên lốc lịch và giờ trên đồng hồ...

Các bậc phụ huynh hãy xem các tiêu chí trong Bộ chuẩn như một định hướng để giáo dục trẻ.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành bộ chuẩn trên, có rất nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh cũng như các chuyên gia giáo dục về những nội dung trong đó. Không ít người lo ngại các chỉ số, nhất là chỉ số thể chất đang quá sức đối với trẻ. Chị Phan Thiên Hương (đường Ngô Gia Tự, Nha Trang) bày tỏ: “Tôi cho rằng, việc xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là cần thiết. Tuy nhiên, trong bộ chuẩn này có những điểm chưa hợp lý và còn cứng nhắc. Chẳng hạn, trẻ phải kể được một số nghề phổ biến nơi trẻ sống. Nếu nơi trẻ sống không có nghề nào thì sao trẻ biết? Hoặc trẻ phải nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và có thể viết tên mình. Điều này mâu thuẫn với khuyến cáo từ trước đến nay của Bộ GD-ĐT là không nên dạy trẻ tập viết trước khi bước vào lớp 1”. Chị Huỳnh Kim Liên (đường Trần Quý Cáp, Nha Trang) cho rằng: “Con tôi bình thường được cho là rất thông minh, lanh lợi nhưng khi tính điểm theo chuẩn thì không đạt 50%. Vậy phải chăng con tôi không đạt chuẩn?”. Theo nhiều phụ huynh, trong đó có những người làm việc trong ngành Y tế, Giáo dục, việc Bộ GD-ĐT quy định trẻ phải đạt 50 - 60% các tiêu chí là không nên. Bởi mỗi em có một thiên hướng và tốc độ phát triển riêng. Việc quy định như trên vô tình làm cho trẻ tự ti, mặc cảm vì người khác bảo chúng “không đạt chuẩn”; còn cha mẹ thì lo lắng, buồn phiền vì tâm lý chung là không muốn con em mình kém cạnh ai.

Cô Trịnh Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục cho rằng: Bộ chuẩn này rất hữu ích, nhưng có một số tiêu chí quá cao và chưa phù hợp với tình hình thực tế. Có tiêu chí sẽ rất đơn giản với thành thị, nông thôn nhưng nhiều tiêu chí lại quá xa vời với các em ở miền núi, nhất là dân tộc thiểu số. Thiết nghĩ, trước khi đem áp dụng vào thực tế, Bộ chuẩn này cần phải qua giai đoạn thử nghiệm rồi nhận phản hồi để hoàn thiện hơn. Chuẩn chỉ là một thước đo, là cái đề ra để cố gắng đạt đến, chứ không hẳn nhất định phải thế. Vì thế, nếu trẻ không đạt một chỉ báo hay một tiêu chí nào đó thì cũng hoàn toàn bình thường. Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng, hãy xem các tiêu chí trong bộ chuẩn này như một định hướng để giáo dục trẻ, hướng trẻ đến sự phát triển toàn diện, từ thể chất đến tinh thần, trí tuệ, quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, muốn trẻ đạt chuẩn, Bộ GD-ĐT cũng phải thiết kế lại các chương trình giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất để làm sao hướng đến chuẩn.

LÊ NGUYÊN