02:07, 05/07/2010

Đáng báo động

Cở sở vật chất nhỏ hẹp, hệ thống cống rãnh lộ thiên, kém vệ sinh; khu vực sơ chế và chế biến chưa tách biệt, còn liên thông với nhà vệ sinh; không có tủ lưu mẫu thức ăn, dụng cụ lưu mẫu và sổ lưu mẫu; không có hợp đồng mua bán, phiếu kiểm dịch thú y đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật…

Cở sở vật chất nhỏ hẹp, hệ thống cống rãnh lộ thiên, kém vệ sinh; khu vực sơ chế và chế biến chưa tách biệt, còn liên thông với nhà vệ sinh; không có tủ lưu mẫu thức ăn, dụng cụ lưu mẫu và sổ lưu mẫu; không có hợp đồng mua bán, phiếu kiểm dịch thú y đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật… Đó là thực trạng đáng báo động hiện nay về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở bếp ăn tập thể của không ít cơ sở mầm non tư thục (MNTT) trong tỉnh Khánh Hòa.

Ông Lê Đình Đờn - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, trong đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định về VSATTP tại bếp ăn tập thể của các cơ sở MNTT trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 95/QĐ-SYT của Sở Y tế vừa qua, hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều chấp hành không tốt hoặc vi phạm các quy định về VSATTP. Đây là thực trạng đáng báo động.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở mầm non tư thục. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, trong 62 cơ sở được kiểm tra thì có 23 lớp MNTT vi phạm về cơ sở pháp lý, trong đó có 4 cơ sở (chiếm 4,45%) không có quyết định thành lập trường như: cơ sở Phước Huệ, Trường Nguyên, Cỏ Non, Bé Thơ (Nha Trang); có 19 cơ sở (chiếm 30,64%) không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP như các lớp MNTT Diệu Hiền, Xuân Mai, Thiên Phúc, Thỏ Ngọc, Hải Âu, trường MNTT Phương My, MNTT Khai Sáng (Nha Trang), MNTT Cam Ranh… Có 5 cơ sở MNTT (Bé Thơ, Phương My, Phước Huệ, Trường Nguyên, Cỏ Non) không thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên; số cơ sở xét nghiệm người lành mang trùng đúng thời gian quy định chiếm 8,06%. Về cơ sở vật chất, có 32 cơ sở (chiếm 51,61%) khu vực sản xuất quá chật hẹp, công tác vệ sinh cơ sở chưa thực hiện tốt; khu vực chế biến còn chung với khu sinh hoạt gia đình, hố ga lộ thiên trong khu vực chế biến, nhiều cơ sở có nhà vệ sinh mở cửa trực tiếp ra khu vực sơ chế, chế biến như MNTT Họa Mi, Bé Thơ, Hoàng Oanh, Hiền Hòa (TP. Nha Trang), MNTT Sao Mai (huyện Cam Lâm)… 5/62 cơ sở có ý thức kém về vệ sinh trong khu chế biến, bếp không theo nguyên tắc một chiều, khu vực sơ chế, chế biến, phân chia thức ăn chưa tách biệt… Có 60/62 (96,77%) cơ sở không trang bị tủ đựng dụng cụ sạch, không có bàn sơ chế, còn sơ chế trực tiếp trên nền nhà; kho chứa thực phẩm không có bàn kê thực phẩm. Một số cơ sở không có tủ lưu mẫu, dụng cụ cũng như sổ lưu mẫu thức ăn hoặc lưu mẫu không đúng quy định. Về nguyên liệu chế biến thực phẩm, đa số các cơ sở sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không có hợp đồng mua bán và không có phiếu kiểm dịch của cơ quan thú y đối với các sản phẩn có nguồn gốc từ động vật như MNTT Hoàng Oanh, Họa Mi, Hiền Hòa… Ngoài ra, một số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các cháu không đúng quy định như trường MNTT Phước Long, Họa Mi…; có cơ sở để khu vực ngủ của các cháu chung với khu vực chế biến, cạnh nhà vệ sinh như MNTT Hiền Hòa, Hoàng Oanh… Hầu hết các cơ sở đều chưa thực hiện việc gửi mẫu kiểm tra nguồn nước theo định kỳ đúng quy định.

Trong buổi họp lấy ý kiến các cơ sở MNTT trong đợt kiểm tra vừa qua, nhiều cơ sở tự nhận vi phạm các quy định về VSATTP nhưng lại cho rằng “lực bất tòng tâm”. Chị Mai Anh - cơ sở MNTT Đôrêmi (Nha Trang) cho biết, quy định về bếp một chiều các cơ sở MNTT rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất các lớp, trường MNTT đều thuê lại từ nhà người dân, kết cấu nhà bếp của hộ gia đình không theo dạng bếp một chiều, khu vực sơ chế và chế biến thường sử dụng chung một nơi, trong khu vực bếp luôn có nhà vệ sinh đi kèm. Nhiều chủ gia đình khi làm hợp đồng cho thuê đều yêu cầu không được thay đổi kết cấu nhà ở, chưa nói thời hạn thuê nhà không ổn định nên nhiều cơ sở không dám đầu tư lớn, sửa chữa nhiều. Thêm vào đó là mức học phí ở hầu hết các cơ sở này tương đối thấp, số lượng cháu lại không ổn định (các cháu học ở các cơ sở này phần nhiều là nhà nghèo, học phí tính theo ngày…) nên các cơ sở không có nhiều vốn và không dám “liều” để đầu tư bài bản như quy định”. Ngoài ra, một số cơ sở cho biết, do khó khăn về kinh phí nên nhiều khi đành phải “lờ” đi việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, mua bảo hiểm y tế, gửi mẫu kiểm tra nguồn nước theo định kỳ… tuy biết như thế là vi phạm quy định về VSATTP, nhưng do số tiền khám sức khỏe, kiểm tra nguồn nước hiện nay khá cao trong khi tất cả các hoạt động của lớp, trường đều phụ thuộc vào nguồn học phí của các cháu… Một chủ cơ sở MNTT (xin giấu tên) phân bua: Quy chế về tổ chức và hoạt động trường MNTT yêu cầu phòng sinh hoạt chung có diện tích tối thiểu 1,5m2/cháu, phòng ngủ diện tích trung bình tối thiểu là 1,2m2/cháu; phòng vệ sinh diện tích trung bình là 0,4m2/cháu. Với quy định này, hiện nay nhiều trường MN công lập còn chưa đáp ứng được, trong khi đó, giá đất thuê ở TP. Nha Trang hiện nay khá cao, việc đòi hỏi các trường MNTT phải đáp ứng đầy đủ như trên là khó khả thi”.  Nhiều cơ sở đề nghị các ngành chức năng có hướng tháo gỡ, giúp các cơ sở vừa có thể kinh doanh vừa thực hiện tốt các quy định về VSATTP.

Không thể phủ nhận sự góp sức rất lớn của các lớp, trường MNTT đối với ngành Giáo dục trong việc cùng chung tay tổ chức nuôi dạy các cháu, vấn đề mà hiện nay các trường MN công lập không đảm đương nổi. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm VSATTP của các trường MNTT hiện nay là khó chấp nhận. Rất mong các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đến vấn đề này, đừng để đến lúc xảy ra ngộ độc thực phẩm mới kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

BÁ NGHĨA