06:07, 28/07/2010

Từng bước đào tạo nghề cho lao động địa phương

Nắm bắt được nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn, những năm qua, Trường Trung cấp Nghề huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã không ngừng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo...

Nắm bắt được nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn, những năm qua, Trường Trung cấp Nghề huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã không ngừng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật vào công tác giảng dạy. Nhờ đó, hàng năm, trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động địa phương.

Trường Trung cấp Nghề huyện Vạn Ninh được nâng cấp vào tháng 10-2009 trên cơ sở Trung tâm Dạy nghề huyện Vạn Ninh. Bước vào đầu năm học mới, để công tác ĐTN cho người lao động của địa phương đạt hiệu quả cao, trường đã tiến hành lựa chọn, chiêu sinh những ngành nghề nằm trong “tốp” nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những ngành nghề trường chú trọng đào tạo gồm: May công nghiệp, trồng hoa và chăm sóc cây cảnh, điện công nghiệp, tin học văn phòng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính… Ngoài ra, trường còn liên kết đào tạo một số nghề như: tin học ứng dụng, lái ô tô hạng B2, Anh văn ứng dụng… Cùng với đó, trường từng bước chuẩn hóa các chương trình đào tạo, đầu tư, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật đưa vào giảng dạy, tạo điều kiện cho người học tiếp cận và làm quen với những phương tiện sản xuất hiện đại; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy cho đội ngũ giáo viên...

 Sau mỗi tiết học lý thuyết, học viên đều được thực hành trên máy.
Ông Lê Văn Lương, cán bộ phụ trách Phòng Đào tạo Trường Trung cấp Nghề huyện Vạn Ninh cho biết: “Sau khi nâng cấp lên thành Trường Trung cấp Nghề, đơn vị càng có điều kiện chú trọng, chăm lo và giúp đỡ cho người học nghề. Tuy gặp khó khăn do có sự thay đổi về nhân sự, cán bộ mới chưa quen việc, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, trường luôn hoàn thành chỉ tiêu được giao…”. Để thu hút lực lượng lao động nông thôn của địa phương đăng ký học nghề, trường phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, chính quyền địa phương các xã tuyên truyền vận động lao động nông thôn tham gia học nghề; lồng ghép vào những cuộc họp tại các xã để giải thích về lợi ích của việc học nghề. Trường còn phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tư vấn cho những em học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12 không có khả năng học tiếp đăng ký học nghề tại trường. Bên cạnh đó, nắm bắt được thế mạnh của địa phương trong việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, trường tập trung tư vấn cho người lao động tham gia đăng ký học để nắm vững kỹ thuật phát triển ngành nghề này. Chính sách hỗ trợ cho các đối tượng học nghề cũng được trường chú trọng. Những học viên nghèo thuộc đối tượng lao động nông thôn khi tham gia học nghề đều được miễn học phí 100%.

Bên cạnh công tác ĐTN, để người lao động sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn giới thiệu việc làm cho học viên. Hàng năm, trường tư vấn và giới thiệu cho hàng trăm học viên ra trường đến làm việc tại một số công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc thành lập tổ tư vấn, giới thiệu việc làm đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động địa phương sau khi được ĐTN.

Bằng những hoạt động và chính sách nêu trên, hàng năm, Trường Trung cấp Nghề huyện Vạn Ninh thu hút một lượng lớn lao động nông thôn trên địa bàn đến đăng ký học nghề. Năm 2009, trường mở lớp dạy nghề cho hơn 1.500 lượt người. Từ đầu năm 2010 đến nay, trường tiếp nhận và ĐTN cho gần 600 học viên. Tham gia học nghề tại trường, ngoài những giờ học lý thuyết, học viên còn được thực hành trên máy. Trường cũng chú trọng công tác giáo dục đạo đức, tác phong công việc, kỷ luật lao động cho học viên. Nhờ vậy sau khi tốt nghiệp khóa học, học viên được trang bị đầy đủ kiến thức, tác phong làm việc nhanh nhẹn…

Ông Mạc Tiến Hưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, thời gian tới, trường tiếp tục thực hiện mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề, góp phần giảm tỷ lệ lao động chưa qua ĐTN của địa phương; phấn đấu đến cuối năm 2010 dạy nghề cho 1.000 lao động; đồng thời đẩy mạnh khâu tư vấn, giới thiệu, liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp…”.

VĂN GIANG