Những tháng đầu năm 2010, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn phương tiện...
Những tháng đầu năm 2010, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy (GTĐT), các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn phương tiện, bến vận tải hành khách, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện tốt các quy định về an toàn khi tham gia GTĐT… Nhờ thế, tai nạn GTĐT từng bước được kiềm chế.
Khánh Hòa là tỉnh có bờ biển dài gần 385km, đi qua địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố với 46 xã, phường, thị trấn nằm ven biển. Hệ thống GTĐT nội địa chủ yếu là ven biển, đường nối liền giữa các đảo và giữa đảo với bờ. Hiện toàn tỉnh có 42 tuyến thủy nội địa với tổng chiều dài hơn 444km, có 52 cảng, bến thủy nội địa; có khoảng 11.000 phương tiện thủy nội địa, 550 phương tiện chở khách; khoảng 10.450 phương tiện tàu cá hoạt động.
6 tháng đầu năm 2010, lượng khách đến tham quan du lịch trên các tuyến biển đảo tăng; đặc biệt là các ngày lễ, Tết. Theo số liệu thống kê, một số địa bàn trọng điểm như Cầu Đá, Long Phú… có 17.277 lượt chuyến tàu với khoảng 299.037 khách du lịch.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn, lực lượng Cảnh sát GTĐT, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về an toàn phương tiện, bến vận tải hành khách, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện thực hiện các quy định về an toàn khi tham gia GTĐT… Đáng chú ý, tuy phương tiện tham gia GTĐT trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng hầu hết được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ. Tuy nhiên, tại một số thôn, đảo xa đất liền vẫn xảy ra tình trạng phương tiện hoạt động quá hạn đăng kiểm, chở quá sức chở của phương tiện… Chính những trường hợp này là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn GTĐT. 6 tháng, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn GTĐT, làm 2 người chết. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn không tăng nhưng số người chết tăng 1 người. Cụ thể, vào lúc 18 giờ 30 ngày 11-5, tại khu vực Hòn Cốc (Đầm Nha Phu - thôn Tân Đảo, Ninh Ích, Ninh Hòa), anh Thạch Ngọc Dũng (35 tuổi, Tân Đảo, Ninh Ích) điều khiển xuồng lưới (không đăng ký) làm bằng tôn chở vợ và 3 con đi từ bờ biển ra Hòn Cốc thì xuồng bị chìm. Hậu quả: Chị Ngô Thị Thu (35 tuổi, vợ anh Dũng) và con trai Thạch Ngọc Tín (1 tuổi) bị chết. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn chủ yếu vẫn do ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, chở quá sức chở của phương tiện.
Nhờ luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nên tai nạn giao thông đường thủy đã được kiềm chế |
Trước tình hình tai nạn GTTĐ vẫn diễn ra, người điều khiển phương tiện vẫn còn vi phạm trật tự an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát GTTĐ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Cụ thể, từ ngày 30-4 đến 30-6, Phòng đã mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các bến tàu du lịch Cầu Đá, Long Phú, Vĩnh Phước, Cảng cá Hòn Rớ, thị xã Cam Ranh và huyện Vạn Ninh. Đồng thời, phối hợp với Phòng PX28, Ban quản lý Cảng Hòn Rớ tiến hành khảo sát xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phòng đã dựng 2 bảng ảnh tuyên truyền Luật GTĐT nội địa tại Cảng cá Hòn Rớ và bến tàu du lịch Long Phú, thu hút hàng trăm lượt người tới xem; tổ chức cuộc thi “Đố em” tìm hiểu về Luật GTĐT nội địa tại Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trung Trực (Cam Ranh) với hơn 200 học sinh tham gia; phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện Cam Lâm tuyên truyền Luật GTĐT nội địa cho ngư dân; thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý VPHC đã trực tiếp tuyên truyền Luật GTĐT cho khoảng 2.500 lượt người là thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên…
“Thời gian tới, nhằm kiềm chế tai nạn GTĐT đến mức thấp nhất, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐT nội địa, các quy định của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐT, lĩnh vực thủy sản; vận động nhân dân tích cực chủ động phòng chống đuối nước, phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tiềm ẩn gây ra tai nạn GTĐT…” - Thượng tá Lê Đình Khải cho biết.
CẨM VÂN