08:07, 17/07/2010

Sức sống Ninh Thủy

Tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vượt qua những khó khăn thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, từ một xã vùng biển có tỷ lệ hộ nghèo cao, Ninh Thủy (Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã dần “thay da đổi thịt” và trở thành một trong những xã phát triển nhất khối thi đua Nhà nước.

Tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vượt qua những khó khăn thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, từ một xã vùng biển có tỷ lệ hộ nghèo cao, Ninh Thủy (Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã dần “thay da đổi thịt” và trở thành một trong những xã phát triển nhất khối thi đua Nhà nước.

Xã Ninh Thủy hiện có khoảng 2.564 hộ, 11.636 khẩu. Do địa bàn xã gần biển nên 50% dân số sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt hải sản, số còn lại làm nghề nuôi trồng hải sản, thương mại dịch vụ. Đời sống người dân Ninh Thủy khá phát triển. Năm 2009, toàn xã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, là một trong những xã mạnh dẫn đầu huyện và từng 4 năm liền dẫn đầu khối thi đua Nhà nước (2006 - 2009).

Cơ sở hạ tầng Ninh Thủy ngày càng được xây dựng khang trang.

Có vị trí nằm ở cửa ngõ phía Đông của huyện Ninh Hòa, một bên tiếp giáp với căn cứ địa cách mạng Hòn Hèo, nên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Ninh Thủy từng là vùng căn cứ cách mạng của huyện. Vì thế, phong trào cách mạng xã Ninh Thủy hình thành rất sớm. Từ những năm 1961 - 1962, hàng chục thanh niên của xã đã giác ngộ cách mạng, tham gia thoát ly, làm gương cho hàng trăm thanh niên khác tiếp bước lên đường đánh giặc sau này. Các phong trào như: phá ấp chiến lược, diệt ác phá kiềm, chống bắt lính… từng là thế mạnh của xã. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân luôn đoàn kết một lòng, mạng lưới cơ sở của ta được xây dựng đều khắp ở các thôn và hoạt động rất có hiệu quả. Đặc biệt, lực lượng du kích mật bên trong các thôn được hình thành và được người dân chở che, nuôi giấu và giúp đỡ. Vì thế, nhiều năm liền, xã được công nhận là vùng làm chủ cao. Tuy cũng có lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn nhưng nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, không chùn bước trước kẻ thù. Năm 1975, Ninh Thủy là xã đứng lên đấu tranh và giải phóng sớm nhất huyện (ngày 1-4-1975). Qua những chiến công và thành tích cách mạng, Ninh Thủy từng được cấp trên tặng 2 Huân chương Giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 14 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 2000, xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau chiến tranh, đời sống người dân Ninh thủy gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao. Nhưng nhờ truyền thống cách mạng vẻ vang đã tiếp thêm sức mạnh, cùng với tinh thần cần cù lao động, nhiều người dân trong xã đã vượt khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, đời sống người dân trong xã được cải thiện đáng kể. Ngư dân từ đánh bắt hải sản nhỏ lẻ ven bờ đã chuyển sang đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản và làm thương mại, dịch vụ. Trong đó, đánh bắt hải sản trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Toàn xã hiện có khoảng 336 ghe tàu lớn nhỏ, tổng sản lượng đánh bắt hải sản bình quân 4 nghìn tấn/năm… Vì thế, thu ngân sách địa phương bình quân tăng từ 10 đến 15%/năm; tỷ lệ đạt chuẩn gia đình văn hóa hàng năm khoảng 75%, riêng 2009 có 77,92% số hộ gia đình (1.797/2.306 hộ) đạt danh hiệu gia đình văn hóa cấp xã; tỷ lệ trẻ em 5 - 6 tuổi ra lớp đạt 100%, bình quân mỗi năm có 30 em thi đỗ vào các trường đại học; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng năm 2009 giảm còn 13,76%. Tính đến cuối năm 2009, toàn xã chỉ còn 398 hộ nghèo, 323 hộ cận nghèo theo chuẩn mới của tỉnh, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Hiện nay, các đường giao thông liên thôn, liên xã đều đã được bê tông hóa; nhiều nhà cao tầng, khu vui chơi giải trí, khách sạn mọc lên trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “5 năm tới, xã xác định sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”. Cụ thể, cơ cấu các ngành dịch vụ tăng trung bình 10%/năm; thu ngân sách bình quân tăng từ 10%/năm trở lên. Mặt khác, xã sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, phấn đấu hoàn thành chương trình phổ cập trung học phổ thông vào năm 2015; xây dựng trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu mỗi năm có từ 80% số hộ đạt gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3% theo chuẩn mới của tỉnh; cố gắng đến 2013, các con đường nhánh trong toàn xã sẽ được bê tông hóa…

M.T