08:07, 15/07/2010

Không chủ quan với bệnh thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm cột sống là nguyên nhân phổ biến gây đau đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng cũng như đau chân tay. Bệnh này hiện rất phổ biến và hay gặp ở độ tuổi lao động (30 - 45 tuổi).

Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống là nguyên nhân phổ biến gây đau đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng cũng như đau chân tay. Bệnh này hiện rất phổ biến và hay gặp ở độ tuổi lao động (30 - 45 tuổi). Bệnh TVĐĐ làm ảnh hưởng đến lao động, chất lượng sống, điều trị tốn kém và có thể dẫn đến tàn phế suốt đời nếu không được chữa trị kịp thời.

Theo thống kê của Khoa Cột sống - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, tổng số ca bệnh mổ tại khoa là 188 ca; trong đó, số ca được chẩn đoán bị TVĐĐ chiếm hơn 1/3 (khoảng 66 ca). Như chị Lê Thùy Mỹ Linh (40 tuổi, ở TP. Nha Trang) nhập viện ngày 6-7 với biểu hiện đau đốt sống thắt lưng lan xuống chân và được chẩn đoán bị TVĐĐ thắt lưng 5 cùng 1 (L5S1); anh Ngô Phúc (47 tuổi) nhập viện ngày 7-3 với triệu chứng đau đốt sống cổ lan xuống tay phải, tay phải yếu, cầm nắm khó… Qua chụp phim kiểm tra, các bác sĩ xác định anh bị TVĐĐ đốt sống cổ 5, 6 (C5C6); ông Lê Văn Phòng (Nha Trang) - 69 tuổi, nhập viện với triệu chứng đau vùng thắt lưng, đau tê lan xuống tới bàn chân phải, chân phải đi yếu, sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng được xác định bị TVĐĐ đoạn thắt lưng số 4,5 (L4,L5)…

Điều trị thoát vị đĩa đệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hoàng Mạnh - Trưởng khoa Ngoại Cột sống cho biết, cột sống của con người được cấu tạo bởi các đốt sống, giữa các đốt sống được đệm bởi đĩa đệm hình oval; đĩa đệm gồm có vành thớ sợi bên ngoài và nhân nhầy bên trong. TVĐĐ xảy ra khi một phần nhân nhầy thoát ra ngoài qua chỗ rách của vách thớ vào trong ống sống; hiểu nôm na là tình trạng nhân đĩa đệm bị ép và tràn ra khỏi vị trí bình thường giữa các đốt sống. Khối thoát vị có thể chèn ép hay kích thích thần kinh gây ra triệu chứng đau, rối loạn cảm giác hay rối loạn vận động. Nguyên nhân gây nên TVĐĐ thường là kết quả của sự thoái hóa đĩa đệm (THĐĐ); sự thoái hóa này tăng dần theo lứa tuổi. THĐĐ thường bắt đầu sau 30 tuổi. Nó làm cho đĩa đệm bị mất nước, giảm độ mềm dẻo, dễ bị tổn thương và rách ngay cả với lực kéo căng hay xoắn vặn rất nhẹ. Khi chúng ta bị THĐĐ mà phải làm những công việc đòi hỏi ngồi lâu, đứng yên một tư thế hay phải khuân vác nặng trong tư thế cúi, vặn hoặc xoay, áp lực bên trong đĩa đệm sẽ tăng lên và dễ gây ra TVĐĐ. Ngoài ra, có thể kể đến một số nguyên nhân khác gây TVĐĐ như: ngã từ trên cao xuống hay chấn thương vào vùng cổ, lưng hoặc thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày như tập các môn thể thao không đúng cách, trái tư thế…

Phụ thuộc vào vị trí và mức độ chèn ép thần kinh mà biểu hiện của bệnh TVĐĐ khác nhau. Đau cột sống và đau rễ thần kinh là các triệu chứng nổi bật nhất của bệnh này. Nó có thể chỉ đau nhẹ, đôi khi không đau, nhưng thông thường, bệnh nhân bị TVĐĐ có chèn ép thần kinh sẽ thấy triệu chứng đau vùng đốt sống cổ hoặc thắt lưng, lan xuống tay chân. Các biểu hiện khác có thể gặp như: rối loạn cảm giác, tê, nóng rát chạy từ cổ hoặc thắt lưng lan xuống tay, chân, rối loạn vận động, liệt tay hay chân, nặng hơn nữa có thể là rối loạn đại tiểu tiện… TVĐĐ có thể gây ra những hậu quả và biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không được chữa trị kịp thời. Nếu đĩa đệm thoát vị chèn ép tủy cổ, bệnh nhân có thể bị liệt tứ chi, tàn phế suốt đời hoặc khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cùng (chèn ép chùm đuôi ngựa), bệnh nhân có thể bị liệt hai chân, đại tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động, đó là chưa nói đến chi phí điều trị rất tốn kém.

Theo bác sĩ Mạnh, để phòng ngừa bệnh TVĐĐ, mọi người nên tập thể dục thường xuyên, vì nó sẽ giúp làm chậm quá trình THĐĐ, làm cho cơ chắc khỏe, giúp ổn định và hỗ trợ cột sống; giữ tư thế đúng như: luôn phải ngồi ở tư thế lưng thẳng, không vẹo để làm giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm; tránh mang vác vật nặng trong tư thế vặn, cúi hay xoay; nên duy trì trọng lượng cơ thể trong giới hạn bình thường, vì khi trọng lượng cơ thể tăng quá giới hạn sẽ làm tăng trọng lượng đè lên đĩa đệm, tăng nguy cơ thoát vị; tránh hút thuốc lá, vì thuốc lá là nguyên nhân làm tăng quá trình THĐĐ, tăng nguy cơ bị căn bệnh này.

Hiện nay, với những trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ có tay nghề, được đào tạo bài bản và tu nghiệp ở nước ngoài, BVĐK tỉnh đã chẩn đoán chính xác và áp dụng phương pháp mổ ít xâm nhập (mổ lấy khối thoát vị qua kính vi phẫu và hệ thống ống nong METRx, với đường mổ 18mm), điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.

THẢO LY