Những năm trước đây, đời sống của đại bộ phận người dân xã Khánh Thượng (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) chủ yếu tự cung tự cấp, sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên… Bây giờ, về Khánh Thượng, dọc 2 bên đường nhựa dẫn vào trung tâm xã là bạt ngàn những ruộng bắp, ruộng lúa, rẫy keo xanh tít tắp đến tận chân đồi. Sự lãnh đạo tích cực, toàn diện về mọi mặt của các cấp ủy Đảng đã dần làm thay đổi diện mạo xã miền núi vốn nhiều khó khăn này.
Những năm trước đây, đời sống của đại bộ phận người dân xã Khánh Thượng (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) chủ yếu tự cung tự cấp, sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên… Bây giờ, về Khánh Thượng, dọc 2 bên đường nhựa dẫn vào trung tâm xã là bạt ngàn những ruộng bắp, ruộng lúa, rẫy keo xanh tít tắp đến tận chân đồi. Sự lãnh đạo tích cực, toàn diện về mọi mặt của các cấp ủy Đảng đã dần làm thay đổi diện mạo xã miền núi vốn nhiều khó khăn này.
Chúng tôi về xã Khánh Thượng vào một ngày cuối tháng 7-2010. So với mấy năm trước, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thay đổi nhiều. Dọc 2 bên đường nhựa dẫn vào trung tâm xã là bạt ngàn những ruộng bắp, ruộng lúa, rẫy keo xanh tít tắp đến tận chân đồi. Theo chân anh Pi Năng Phờ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thượng đi thăm cánh đồng lúa nước Đa Râm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trước mắt là cánh đồng lúa nước xanh mơn mởn. Trên cánh đồng, một vài người dân đang dọn cỏ, be bờ; một số người khác đang tranh thủ dặm lại những chỗ ruộng bị sạ thưa. Anh Phờ giải thích: “Những năm gần đây, nhờ nguồn nước từ đập thủy lợi Đa Râm, đập Công Dinh nên người dân 2 thôn Đa Râm và Suối Cát đã có nước để trồng lúa 2 vụ. Ban đầu, việc trồng lúa rất khó khăn, nhưng nay bà con đã dần quen với việc trồng lúa nước…”. Trong câu chuyện về sản xuất nông nghiệp, anh Phờ cho biết: Nhờ các công trình thủy lợi mà toàn xã đã có 52ha gieo trồng lúa nước, tăng 20ha so với năm 2005, năng suất bình quân đạt 35 tạ/ha. Ngoài ra, cây bắp, cây mì cũng là những loại cây lương thực chủ yếu ở địa phương, với diện tích gần 400ha/năm”.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Khánh Thượng đã tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, tăng cường công tác khuyến công, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân… Nhờ vậy, việc sản xuất của đồng bào ngày càng có hiệu quả cao, đời sống bà con ngày một đi lên. Không những thế, nhiều công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã cũng đã được đầu tư xây dựng để phục vụ cho cuộc sống của người dân. Đến thăm gia đình chị Pi Năng Thị Rơ (thôn Suối Cát), chị kể với chúng tôi: “Ngày trước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Khánh Thượng phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, trồng được cây gì thì ăn cây đó, đau ốm liên miên. Bây giờ, sướng hơn nhiều rồi; nhà nào cũng có xe máy, ti vi, ốm đau thì đến trạm y tế xã, trẻ em được đi học, có điện, có nước để dùng…”. Cũng như nhiều gia đình khác ở Khánh Thượng, gia đình chị Rơ trồng được 8ha keo, 1 sào lúa nước 2 vụ. Để tăng thêm thu nhập từ phần diện tích trồng keo, gia đình chị Rơ còn trồng xen canh mì và đậu xanh, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Còn gia đình anh Pi Năng Lượng, ngoài việc phát triển vườn rừng vườn nhà với hơn 3ha keo, vợ chồng anh còn mở thêm tiệm tạp hóa để phục vụ nhu cầu của người dân trong thôn. Nhờ biết làm kinh tế nên gia đình anh đã có của ăn của để.
Cánh đồng lúa nước Đa Râm (Khánh Thượng) đã có nước để sản xuất. |
Bên cạnh đó, công tác giáo dục luôn được chính quyền xã chú trọng, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 95%, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực; xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các chương trình phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… được chú trọng thực hiện. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm 1,5% so với năm 2005…
Ngoài ra, bằng nhiều hình thức vận động, hỗ trợ vốn, hỗ trợ xây dựng nhà, lập vườn, đến nay, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã định cư, ổn định cuộc sống, sản xuất chuyển dần theo hướng bền vững. Có 73 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, 109 hộ được vay vốn giải quyết việc làm, hàng trăm hộ gia đình khác được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước như: nuôi bò, phát triển vườn rừng, vườn nhà… Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 60%. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Để đạt được những thành tích trên, cấp ủy Đảng địa phương đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và toàn diện. Ông Nguyễn Công Hà - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Giai đoạn 2005 - 2010, Đảng bộ xã Khánh Thượng luôn đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; phòng chống tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng… Qua đó đã nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, ổn định dân cư, giữ vững an ninh chính trị - trật tự xã hội trên địa bàn, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân”.
Trong câu chuyện về xây dựng xã miền núi Khánh Thượng, ông Nguyễn Quốc Quang cho biết: “Toàn xã có 17 em đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Chỉ một thời gian ngắn nữa, lực lượng này sẽ góp phần không nhỏ vào xây dựng, đổi mới quê hương”. Nghe vậy, chúng tôi càng có thêm niềm tin về một ngày mai tươi sáng ở Khánh Thượng.
BÍCH LA - NHẬT LỆ