Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm 2010, dưới sự chỉ đạo tích cực, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương...
Ảnh minh họa |
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN là nội dung quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng, 6 tháng đầu năm, bên cạnh việc ban hành 106 văn bản liên quan đến công tác PCTN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về PCTN. Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức 108 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với hơn 6.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và 590 lượt người dân tham dự. Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan Nhà nước trong tỉnh duy trì công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN; phổ biến các văn bản mới ban hành trên các chương trình phát thanh - truyền hình và Báo Khánh Hòa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho CB, CC, VC các đơn vị trực thuộc. Sở Nội vụ phát hành tờ gấp tuyên truyền về “Cải cách thủ tục hành chính - Những điều cần biết” trên quy mô toàn tỉnh và phổ biến rộng khắp đến các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Các CQ, TC, ĐV thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN thông qua các cuộc họp chi bộ, họp cơ quan thường kỳ, các buổi sinh hoạt, đọc báo đầu giờ; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan; sao gửi văn bản pháp luật đến các CQ, TC, ĐV; lồng ghép trong các chương trình phổ biến pháp luật tại địa bàn dân cư; xây dựng pa-nô, áp phích, biểu ngữ để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân… Đặc biệt, trong tháng 3-2010, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình phát sóng bộ phim tài liệu “Cuộc chiến chống tham nhũng” theo chỉ đạo của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương.
Bên cạnh đó, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng tiếp tục được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm. Nhiều biện pháp được triển khai có hiệu quả như: Thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các CQ, TC, ĐV; rà soát, xây dựng, ban hành và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức, chế độ; minh bạch tài sản, thu nhập; kiểm tra thực hiện quy chế tặng, nhận quà và nộp lại quà tặng; xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của CB, CC, VC; chuyển đổi vị trí công tác của CB, CC, VC; xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành… Theo đánh giá của đồng chí Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh, trong số các biện pháp trên, chuyển đổi vị trí công tác của CB, CC, VC là một trong những biện pháp góp phần quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Đến nay, toàn tỉnh có 26 CQ, TC, ĐV xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; 20 CQ, TC, ĐV, địa phương đã chuyển đổi vị trí công tác cho 570 trường hợp. Đặc biệt, thực hiện Thông báo số 404-TB/TU ngày 17-4-2009 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về kết luận của BTV Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CB, CC, VC, đến nay đã có 33/68 CQ, TC, ĐV, địa phương báo cáo kết quả triển khai các vị trí nhạy cảm phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CB, CC, VC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Trong đó, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh: 13/22; các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh: 6/14; UBND các huyện, thị xã, thành phố: 5/8, các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh: 7/9… Hiện nay, Sở Nội vụ đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo BTV Tỉnh ủy về đề xuất xác định vị trí nhạy cảm đối với một số lĩnh vực của CB, CC, VC lãnh đạo cấp phòng để BTV Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, theo đồng chí Võ Lâm Phi, trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng, khâu tự kiểm tra, tự phát hiện trong nội bộ các CQ, TC, ĐV vẫn còn yếu; việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ của nhiều CQ, TC, ĐV chưa mạnh và chưa thường xuyên, chưa đủ sức tự phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí. Hầu hết các vụ việc được phát hiện và xử lý thời gian qua là thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, các tố cáo trong nội bộ CQ, TC, ĐV và việc phát hiện của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số giải pháp mà Luật PCTN, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy đề ra còn có mặt hạn chế, nhận thức của một số ít cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu CQ, TC, ĐV chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trên cả 2 mặt phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng. Việc chuyển đổi vị trí công tác, xây dựng quy tắc ứng xử… còn tiến hành chậm so với kế hoạch đề ra.
Để công tác PCTN trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các CQ, TC, ĐV, địa phương, ngoài việc khắc phục những hạn chế trên, cần tập trung thực hiện tốt chương trình, kế hoạch PCTN đã xây dựng. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, học tập các nghị quyết, luật, Chiến lược quốc gia về PCTN của Chính phủ và các văn bản pháp luật về PCTN, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; triển khai tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó tập trung các nội dung: cải cách hành chính; xây dựng quy tắc ứng xử của CB, CC, VC; chuyển đổi vị trí công tác của CB, CC, VC; tổng kết việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập…
NGỌC KHÁNH