03:07, 19/07/2010

Sốt xuất huyết đã bùng phát thành dịch

Hiện đã có 8/8 huyện, thị, thành phố phát hiện có ca mắc sốt xuất huyết; 30% xã, phường có đủ tiêu chuẩn công bố dịch; 4/8 huyện có số mắc cao hơn trung bình 5 năm. Với những diễn biến trên, sốt xuất huyết ở Khánh Hòa đã và đang bùng phát thành dịch.

Hiện đã có 8/8 huyện, thị, thành phố phát hiện có ca mắc sốt xuất huyết (SXH); 30% xã, phường có đủ tiêu chuẩn công bố dịch; 4/8 huyện có số mắc cao hơn trung bình 5 năm. Với những diễn biến trên, SXH ở Khánh Hòa đã và đang bùng phát thành dịch.

. Số ca mắc Sốt xuất huyết tăng cao

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 11-7, toàn tỉnh đã phát hiện 2.170 trường hợp SXH, không có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân SXH được phát hiện ở 8/8 huyện, thị, thành phố và số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Địa phương có số mắc cao nhất là Ninh Hòa: 789 trường hợp; tiếp theo là Nha Trang: 552, Diên Khánh: 325, Cam Lâm: 210, Cam Ranh: 171, Khánh Vĩnh: 10 và Khánh Sơn: 9. Với tỷ lệ 340 người mắc/1.000.000 dân, Ninh Hòa được đánh giá là huyện có tình hình SXH diễn biến trầm trọng nhất. 27/27 xã, phường trên địa bàn huyện đều phát hiện có bệnh nhân mắc SXH. Các xã có số mắc cao là Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Phú, Ninh Xuân, Ninh Ích, Ninh Bình, Ninh An, thị trấn Ninh Hòa, Ninh Sim, Ninh Quang, Ninh Phước, Ninh Đông. Theo nhận định của ngành Y tế, so với các năm trước tình hình SXH tại Ninh Hòa đã cao ngay từ đầu năm, có phạm vi rộng và có nguy cơ phát triển thành dịch cấp huyện với mức độ trung bình. Huyện Diên Khánh với tỷ lệ mắc 250/100.000 dân được xem là huyện có tỷ lệ người mắc SXH cao thứ 2 trong tỉnh. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh, từ cuối tháng 5 cho đến tuần đầu tháng 7, tình hình SXH tại Diên Khánh có chiều hướng tăng cao và vượt ngưỡng trung bình 5 năm trước. 19/19 xã, thị trấn của huyện đều có bệnh nhân. Các xã có số mắc cao gồm: Diên Bình, Diên Hòa, Diên Lâm, Diên Lạc, Diên Phước, Diên Phú, Diên Thạnh, Diên Thọ, Diên Xuân. Tại huyện Cam Lâm, SXH có chiều hướng tăng từ tháng 3 và tăng cao trong tháng 6, với tỷ lệ người mắc là 196/100.000 dân. 14/14 xã, phường của huyện đều có bệnh nhân mắc SXH. So với năm ngoái, TP Nha Trang, thị xã Cam Ranh, huyện Vạn Ninh đều có số mắc cao hơn so với cùng kỳ, chỉ có 2 huyện còn lại là có tỷ lệ mắc không tăng.

. Khó khăn trong công tác phòng, chống

Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi và bọ gậy đang được các địa phương tích cực triển khai.

Thời gian qua, tuy TTYTDP tỉnh và các địa phương đã nỗ lực phòng, chống SXH, nhưng so với cùng kỳ 5 năm, tình hình SXH của tỉnh vẫn cao hơn trung bình 5 năm trước đây, điều này cho thấy SXH đang có biểu hiện bùng phát thành dịch.

Ông Bùi Xuân Minh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Khánh Hòa là tỉnh có số ca mắc SXH cao nhất khu vực miền Trung, có phạm vi rộng, rơi vào chu kỳ dịch 5 năm. Năm nay, cả 2 typ huyết thanh D1 và D2 xuất hiện cùng lúc nên làm cho số ngườ mắc nhiều hơn các năm trước. Có 45/137 xã, phường trên toàn tỉnh có đủ tiêu chuẩn công bố dịch. 4/8 huyện có số mắc cao hơn trung bình 5 năm. Hiện nay, có thể nói dịch SXH tại Khánh Hòa có quy mô cấp tỉnh, mức độ trung bình. Tuy ngành đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh, Viện Pastuer Nha Trang về mọi mặt nhưng hiện nay công tác phòng, chống dịch của ngành đang gặp không ít khó khăn. Do SXH xảy ra trên diện rộng ở một số huyện nên khó kiểm soát. Tập quán của người dân thường sử dụng cây xanh để làm bình hoa thờ cúng, tạo thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Vấn đề này liên quan đến tín ngưỡng nên khó tuyên truyền thuyết phục được người dân. Việc thực hành xử lý bọ gậy của người dân hiện còn kém. Biện pháp xử lý ở các địa phương hiện nay chỉ dựa vào phun hóa chất là chính chứ chưa chú trọng vào xử lý triệt để bọ gậy nên dẫn đến tình trạng SXH tăng cao. Công tác huy động cộng đồng tham gia phòng, chống SXH ở cấp xã, huyện vẫn còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả…

Trước tình hình trên, mới đây, UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh với các cấp, ngành. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương trình dự thảo về Chỉ thị của UBND tỉnh về phòng, chống SXH trên toàn tỉnh; dự toán nhanh kinh phí cho công tác này để cấp kinh phí kịp thời cho các huyện đang có tỷ lệ mắc cao nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch; tăng cường các biện pháp xử lý các ổ dịch nhỏ; phát động phong trào các cấp, ngành, đặc biệt là ở xã, thôn tham gia công tác phòng, chống SXH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấp phát tài liệu về SXH đến người dân; Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, các trạm tiếp hình - phát sóng cấp huyện phải liên tục phát các chương trình phòng, chống SXH; các bệnh viện, trạm y tế các cấp phải tập trung cho công tác điều trị, cố gắng không để xảy ra tử vong…

Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trên, hy vọng công tác phòng, chống SXH của tỉnh sẽ đạt kết quả. Nếu không làm tốt công tác phòng, chống, SXH không chỉ bùng phát thành dịch với mức độ giống như năm 2005 mà còn khó có thể kiểm soát được.

T.L