Những năm qua, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá là một trong những hoạt động có tính quyết định đến yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Nha Trang. Đây được coi là hướng đi mang tính đột phá, góp phần đưa công tác giảng dạy của nhà trường lên một tầm cao mới và khoa học hơn.
Những năm qua, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá (PPGD-ĐG) là một trong những hoạt động có tính quyết định đến yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT). Đây được coi là hướng đi mang tính đột phá, góp phần đưa công tác giảng dạy của nhà trường lên một tầm cao mới và khoa học hơn.
Nhiệm kỳ 2005-2010, một trong những phương hướng của Đảng bộ Trường ĐHNT là “Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và trình độ ngoại ngữ cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý”. Căn cứ trên phương hướng này, hàng quý, Đảng ủy nhà trường ban hành những nghị quyết để cụ thể hóa các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đổi mới PPGD-ĐG. Yêu cầu chung của hoạt động đổi mới PPGD-ĐG là từng bước nâng cao vai trò của người học trong quá trình đào tạo, chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo thông qua các hình thức giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá đa dạng và có hiệu quả cao. Tiến sĩ Lê Văn Hảo - Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và khảo thí cho biết: “Nhà trường đã xác định đổi mới PPGD-ĐG là hoạt động cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Vì thế, trong những năm qua, nhà trường đã tiến hành đồng bộ các giải pháp và hoạt động nhằm tác động đến quá trình đổi mới PPGD-ĐG một cách hiệu quả”.
Nhà trường luôn khuyến khích kỹ năng tự đào tạo và năng lực tư duy sáng tạo của sinh viên. |
Công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ cũng được Đảng ủy nhà trường quan tâm thường xuyên và đúng mức. Các cán bộ giảng dạy (CBGD) trẻ lần lượt được cử đi học chuyên môn, ngoại ngữ, tham gia các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm đại học. Định kỳ, nhà trường tổ chức các lớp bồi dưỡng về các phần mềm phục vụ dạy học, về PPGD-ĐG cho CBGD. Mỗi CBGD được cung cấp một Sổ tay PPGD-ĐG. Trên cơ sở đó, tăng cường hoạt động trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức hội thảo về đổi mới PPGD-ĐG. Tập san Khoa học công nghệ thủy sản do nhà trường xuất bản định kỳ là diễn đàn để tất cả CBGD có thể trao đổi, chia sẻ những thông tin về khoa học - công nghệ và những kiến thức, kinh nghiệm về giảng dạy.
Đảm bảo chất lượng đào tạo là hoạt động có tính then chốt nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn trường. Vì vậy, tháng 8-2007, Nhà trường đã thành lập Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và khảo thí. Phòng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những hoạt động liên quan mật thiết đến công tác đổi mới PPGD-ĐG như: Tổ chức nghiên cứu và triển khai ứng dụng các phương pháp, công nghệ mới trong giảng dạy; kiểm tra đánh giá, tiến hành kiểm tra, thanh tra các hoạt động trong đào tạo; phối hợp với các đơn vị tổ chức thu thập ý kiến sinh viên, cán bộ, viên chức và nhà sử dụng lao động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ của nhà trường… Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho hoạt động dạy học, rèn luyện và bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên, mỗi năm, trường đều tổ chức “Hội nghị học tốt - rèn luyện tốt”, “Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học”. Ngoài ra, ở một số khoa cũng bắt đầu tổ chức một số hình thức sinh hoạt chuyên môn rất sinh động nên được đông đảo sinh viên hưởng ứng như: Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh, CLB Robocon, CLB Tin học…
Trong thời gian qua, đổi mới PPGD-ĐG là hoạt động thường xuyên, được Trường ĐHNT rất chú trọng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Văn Hảo, đổi mới PPGD-ĐG chỉ là một trong số các hoạt động cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung. Bên cạnh việc đổi mới PPGD-ĐG, vẫn còn nhiều hoạt động của CBGD cần được quan tâm khuyến khích để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Nói cách khác, để nâng cao chất lượng học tập của người học, CBGD cần thực hiện nhiều công việc khác nhau liên quan đến nghiệp vụ giảng dạy chứ không riêng gì việc đổi mới PPGD. Xuất phát từ nhận thức trên, tháng 4-2009, Trường ĐHNT đã ban hành Quy định về hoạt động đổi mới công tác giảng dạy để định hướng hoạt động giảng dạy trong trường. Quy định này được thể hiện ở 7 nhóm nội dung chính gồm: thiết kế, cập nhật, nâng cao chất lượng chương trình môn học; biên soạn, cập nhật, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức bài giảng, giáo trình; xây dựng, phát triển hệ thống tài liệu tham khảo; xây dựng, phát triển các công cụ phục vụ dạy và học; xây dựng, phát triển hệ thống ngân hàng bài tập, ngân hàng câu hỏi phục vụ môn học; lồng ghép ngoại ngữ trong giảng dạy nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của người học; vận dụng các PPGD-ĐG nhằm phát triển năng lực tư duy và kỹ năng của người học.
Hy vọng, với hướng đi mới mang tính đột phá này, công tác giảng dạy tại Trường ĐHNT sẽ được nâng lên một tầm cao mới, hiện đại và khoa học hơn, góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát mà Đảng bộ nhà trường đã đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015, đó là: “Xây dựng Trường ĐHNT trở thành một cơ sở đào tạo đa ngành có chất lượng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, một trung tâm khoa học, văn hóa của khu vực”.
THÀNH AN