02:07, 01/07/2010

Chưa thu hút được nhân tài

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học xã hội.

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học xã hội (KHXH). Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thể hiện qua Nghị quyết Trung ương 2 khóa XIII về phát triển khoa học công nghệ. Qua 12 năm thực hiện Nghị quyết trên (từ năm 1998), công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHXH của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế…

. Đã đầu tư

Những năm qua, tại Khánh Hòa, công tác KHXH đã tập trung vào những vấn đề lý luận, tạo luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp đổi mới và phát triển KT-XH; góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương; nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH, đặc biệt ở các vùng ven biển, nông thôn, miền núi, hải đảo… Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KHXH, tỉnh đã chú trọng đầu tư cho lĩnh vực này với những chương trình, mục tiêu cụ thể; đặc biệt chú trọng từ chủ trương, chính sách, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Nhiều địa phương đã có sự chỉ đạo kiên quyết trong việc thực hiện chủ trương chỉ giới thiệu những người đủ chuẩn ứng cử vào các chức danh chủ chốt; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ cán bộ có trình độ cao cũng như tập trung quy hoạch nguồn cán bộ dự bị dài hạn từ học sinh, sinh viên giỏi, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt công tác này, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu, giảng dạy, tham mưu xây dựng chính sách trong lĩnh vực KHXH đều được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị…; một số cán bộ được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Nhìn chung, việc xây dựng, hoàn thiện về cơ chế, chính sách được đẩy mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đầu tư đúng trọng tâm, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay. Từ năm 2003, tỉnh đã chủ trương đưa trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại cơ sở, đồng thời thực hiện mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã… Những chính sách này đã mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và cung cấp nguồn cán bộ, công chức nói chung, cán bộ KHXH nói riêng cho các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể…

. Nhưng vẫn chưa thu hút

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách trọng dụng, bồi dưỡng, khen thưởng cán bộ KHXH nói riêng và cán bộ, công chức các lĩnh vực khác nói chung vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, tiềm lực KHXH của tỉnh tuy có cơ sở nền móng khá vững chắc nhưng chưa được phát huy đầy đủ, việc đầu tư cho cán bộ KHXH còn dàn trải, chưa phát huy hết tiềm lực của cán bộ KHXH đầu đàn của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chưa thu hút được các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài về công tác tại các viện, trường trong tỉnh. Mặt khác, hoạt động nghiên cứu KHXH chưa đột phá; việc ứng dụng kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế, nhất là các đề tài KHXH. Có thể thấy, chính sách đãi ngộ, sử dụng của địa phương chưa thu hút được nhiều cán bộ trẻ có trình độ cao về làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy cơ chế ưu đãi, thu hút nhân tài của tỉnh luôn được chú trọng và có điều chỉnh nhưng thực tế cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị, trường học khó tuyển dụng được những sinh viên mới tốt nghiệp có học lực giỏi, do họ thường chọn công việc ở những nơi có mức lương hấp dẫn. Một số cán bộ, công chức công tác lâu năm, có kinh nghiệm, có học hàm, học vị cũng xin chuyển công tác sang những nơi có chế độ tiền lương cao. Thực tế này thường được nhìn nhận là hiện tượng “chảy máu chất xám” ở tỉnh ta trong nhiều năm qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là do chế độ hỗ trợ của tỉnh thấp so với một số địa phương khác.

Để hạn chế những tồn tại này, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp cơ hữu để thu hút nguồn cán bộ KHXH có tài năng, tâm huyết vào làm việc trong khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, chính sách này cũng cần được Trung ương tiếp tục điều chỉnh nhằm hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng cần có chính sách trọng dụng nhân tài, nhất là trọng dụng các chuyên gia KHXH thật sự có tài năng cống hiến; phải có sự phân biệt giữa những người có cống hiến và làm việc hiệu quả với người làm việc kém và không hiệu quả. Làm được việc này sẽ giải quyết được tư tưởng “cào bằng” trong đánh giá hiệu quả công tác, đánh giá công chức; từ đó công tác thi đua khen thưởng cũng thể hiện đúng ý nghĩa của nó là nuôi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.

HẢI NGUYỆT