03:07, 26/07/2010

Vươn tới những tầm cao

Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) là cảng thương mại quốc tế nằm trong vịnh Cam Ranh - nơi hội tụ những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển khi nằm gần đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường hàng hải quốc tế.

Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) là cảng thương mại quốc tế nằm trong vịnh Cam Ranh - nơi hội tụ những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển khi nằm gần đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường hàng hải quốc tế. Từ khi đất nước mở cửa hội nhập, kinh tế khu vực ngày càng khởi sắc, giao thương giữa Khánh Hòa và các tỉnh lân cận không ngừng mở rộng, Cảng Cam Ranh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Khánh Hòa, là đầu mối giao thông đường biển quan trọng khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tàu đang nhận hàng tại Cảng Cam Ranh.

Nhận thức được tầm quan trọng của Cảng Cam Ranh trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương và các tỉnh trong khu vực, tổ chức Đảng cơ sở luôn xác định phải đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu lưu thông hàng hóa qua cảng để phục vụ cho sự phát triển KT-XH. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và xuyên suốt trong công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại đơn vị. Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp lãnh đạo của tỉnh, thị xã và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; với quan điểm lãnh đạo thống nhất và đường lối lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng cơ sở cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) qua các thời kỳ, Cảng Cam Ranh đã vượt qua khó khăn, đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước trưởng thành và phát triển.

Qua thời gian phấn đấu, đến nay, Cảng Cam Ranh đã có một cầu tàu dài 182m với tổng chiều dài bến khai thác là 308m, có khả năng tiếp nhận được các loại tàu có trọng tải đến 30.000 DWT; năng lực xếp dỡ hàng đạt hơn 1,2 triệu tấn/năm, vượt gần gấp đôi so với năng lực xếp dỡ thiết kế của cầu cảng (700.000 tấn/năm). Trong tổng sản lượng hàng thông qua cảng, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu luôn chiếm tỷ trọng trên 50%. Chính vì vậy, doanh thu và lợi nhuận đạt được tăng đều qua các năm (tăng 20%/năm), đặc biệt doanh thu từ các dịch vụ hậu cần cảng biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn cảng được giữ vững.

Tuy đã có những bước phát triển vượt bậc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng phải thừa nhận rằng, quy mô và tầm vóc cảng vẫn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng vốn có, chưa đáp ứng được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của địa phương và khu vực. Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ Cảng Cam Ranh lần thứ 9 (2010 - 2015) đã đặt quyết tâm: Đưa Cảng Cam Ranh sớm trở thành một trung tâm dịch vụ cảng biển quan trọng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển KT-XH của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trong đó, mục tiêu trước năm 2015, Cảng Cam Ranh sẽ tiếp nhận được tàu có trọng tải 50.000 DWT với năng lực xếp dỡ đạt hơn 3 triệu tấn/năm, phục vụ xếp dỡ được tất cả các loại hàng hóa, đáp ứng đầy đủ và chất lượng các dịch vụ hậu cần cảng biển cho khách hàng.

Vì thế, Đảng bộ và CB-CNV Cảng Cam Ranh đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, phấn đấu đưa Cảng Cam Ranh trở thành một cảng biển có tầm cỡ trong khu vực. Trong đó, đang cùng với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam triển khai đầu tư xây dựng mới cầu cảng tổng hợp và container cho tàu có trọng tải 50.000 DWT, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2012; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện hữu, các trang thiết bị và công nghệ xếp dỡ để tăng nhanh năng suất, giảm cường độ lao động cho công nhân, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng hóa, giảm giá thành xếp dỡ và thời gian làm hàng tại cảng cho khách hàng.

Mặt khác, Cảng Cam Ranh từng bước xây dựng và áp dụng quy trình quản lý chất lượng ISO vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị trực thuộc để tạo điều kiện cho các đơn vị phát huy tối đa quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sức bật mới cho sự phát triển. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt là nhân lực phục vụ cho việc quản lý khai thác hàng container và công nhân kỹ thuật lành nghề; phấn đấu xây dựng và phát triển cảng trở thành một cảng biển phục vụ tốt các nhu cầu của khách hàng và hội nhập kinh tế quốc tế.

ANH TUẤN