05:07, 02/07/2010

Mô hình cần được nhân rộng

Trong những ngày Hè này, thay vì phải theo cha mẹ lên nương rẫy, một số học sinh dân tộc thiểu số ở xã Cam Thịnh Tây (Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn kiên trì “bám lớp”.

Trong những ngày Hè này, thay vì phải theo cha mẹ lên nương rẫy, một số học sinh dân tộc thiểu số (HSDTTS) ở xã Cam Thịnh Tây (Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn kiên trì “bám lớp”. Mô hình học ngày 2 buổi, bán trú trong Hè dành cho HSDTTS ở Trường Tiểu học (TH) Cam Thịnh Tây đang được đánh giá là linh hoạt và phù hợp với địa phương để đạt mục tiêu hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học đúng độ tuổi (PCTHĐĐT).

Mùa hè, thay vì phải lên nương rẫy, các em được tạo điều kiện đến trường để học cái chữ…

Cam Thịnh Tây là một trong những xã miền núi khó khăn của thị xã Cam Ranh. Hiện nay, thị xã chỉ còn Cam Thịnh Tây là chưa hoàn thành chương trình PCTHĐĐT. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn xã miền núi, đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung. Đồng bào ở đây đa số là dân tộc Raglai, đều rất nghèo nên việc lo cái ăn, cái mặc đã khó, nói gì đến việc học hành. Chính vì vậy, việc HS ra lớp muộn hơn so với độ tuổi hoặc lưu ban, bỏ học… là vấn đề khó tránh khỏi của địa phương. Những năm qua, tuy tỉnh, thị xã rất quan tâm, chú trọng đến việc cập nhật số lượng HS trong độ tuổi TH và huy động đến lớp, nhưng tỷ lệ HS đi học quá tuổi vẫn tồn tại khá nhiều mà không thể giải quyết được.

Ông Nguyễn Văn Ngọ - chuyên viên Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Cam Ranh cho biết: “Hiện nay, thị xã Cam Ranh chỉ còn duy nhất xã Cam Thịnh Tây là chưa hoàn thành chương trình PCTHĐĐT. Chính vì vậy, Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT phải tìm ra những giải pháp phù hợp để quyết tâm đạt mục tiêu hoàn thành chương trình PCTHĐĐT trong năm 2010”. Sau khi tham khảo nhiều mô hình ở các địa phương trên cả nước, Phòng GD-ĐT thị xã Cam Ranh đã đề xuất mô hình học ngày 2 buổi, bán trú trong Hè ở Trường TH Cam Thịnh Tây - một hình thức GD linh hoạt dành cho HSDTTS lớn tuổi hơn so với quy định.

Trường TH Cam Thịnh Tây có 100% HS là người DTTS. Do dân cư sống không tập trung nên trường có 3 điểm học: Điểm trường chính (Sông Cạn), điểm Thịnh Sơn và điểm Suối Rua. Theo quy định của chương trình PCTHĐĐT, HS 11 tuổi phải học xong lớp 5; nhưng năm học 2009 - 2010 đã kết thúc mà Trường TH Cam Thịnh Tây vẫn còn 41 HSDTTS (đã quá tuổi quy định) chưa hoàn thành chương trình TH. Chính vì vậy, ngay sau khi kết thúc năm học, Phòng GD-ĐT thị xã Cam Ranh đã chỉ đạo nhà trường tổ chức 2 lớp học bán trú trong Hè tại điểm trường chính và điểm ở Thịnh Sơn để 41 HS này hoàn thành chương trình TH.

… và cùng ăn với bạn bè.
Tại điểm trường chính (Sông Cạn) có 24 HS đang theo học. Buổi học bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 10 giờ 30. Sau đó, các em ăn và ngủ trưa tại nhà công vụ của trường, buổi chiều học từ 14 giờ đến 16 giờ 30. Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà - giáo viên Trường TH Cam Thịnh Tây cho biết: “Mô hình học bán trú này nhằm tạo điều kiện cho HS hoàn thành chương trình lớp 5 trong thời gian sớm nhất để các em có thể theo kịp chương trình lớp 6 trong năm học 2010 - 2011, vì vậy, chúng tôi chủ yếu dạy những kiến thức cơ bản của 2 môn Tiếng Việt và Toán. Thời gian học chỉ có 3 tháng Hè mà khối lượng kiến thức của cả một năm học nên cả cô và trò đều phải hết sức cố gắng. Nhờ có mô hình bán trú nên HS học chuyên cần hơn, ít bỏ học. Điều này động viên chúng tôi rất nhiều trong quá trình giảng dạy”. Được biết, trước khi triển khai mô hình bán trú, nhà trường đã mời cha mẹ của 41 HS này lên trao đổi để cùng với nhà trường động viên các em “bám lớp”. “HS nào nghỉ học một buổi, nhà trường cử giáo viên đến thăm hỏi tình hình và động viên HS đi học lại. Không những vậy, trong giờ ăn trưa của các em, chúng tôi còn xuống tận nơi, kiểm tra xem các em ăn có no không, thích ăn cái gì để đổi món…” - thầy Mang Bén, Hiệu trưởng Trường TH Cam Thịnh Tây nói. Được biết, thị xã Cam Ranh đã hỗ trợ gần 55 triệu đồng để tổ chức bữa ăn trưa, quản lý bán trú HS và bồi dưỡng giờ dạy của giáo viên trong Hè.

Tuy lần đầu tiên tổ chức, nhưng qua hơn một tháng triển khai mô hình bán trú cho HSDTTS, có thể khẳng định, mô hình này rất linh hoạt, phù hợp với tình hình của địa phương. HSDTTS đã thích đi học, còn cha mẹ của các em cũng quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Mang Mướt (HS lớp 4/1, xóm 1, Sông Cạn) nói: “Em thích đi học hơn đi rẫy, vì đi học vui hơn, vừa có bạn và được ăn ngon”. Thầy Mang Bén cho biết: “Lúc trước, cứ đến mùa vụ, HS “được” bố mẹ bắt ở nhà đi làm nương rẫy, nghỉ học mấy ngày mà chẳng cần xin phép. Nhưng bây giờ thì khác, vừa rồi trong lớp có 2 em bị bệnh, cha mẹ đến tận trường xin phép cho các em nghỉ học”. Chương trình học bán trú trong Hè sẽ kết thúc vào ngày 25-8-2010. Cô Ngọc Hà khẳng định: “Tuy còn 2 tháng nữa mới kết thúc lớp học, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, trên 90% HS sẽ theo kịp chương trình lớp 6 cùng với các bạn khác trong năm học 2010 - 2011 sắp tới”.

Khánh Hòa còn nhiều địa phương chưa hoàn thành chương trình PCTHĐĐT. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng ở các địa phương để Khánh Hòa có thể đạt mục tiêu hoàn thành chương trình PCTHĐĐT trong thời gian sớm nhất.

THU HIỀN