03:06, 07/06/2010

Tạo cơ hội cho các đối tượng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng

Với cách thức quản lý, giáo dục học viên bài bản, những năm qua, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Khánh Hòa đã đưa công tác dạy nghề vào đào tạo cho các đối tượng lầm lỡ, nhằm giúp các đối tượng này có nghề trước khi trở về hòa nhập với cộng đồng.

Với cách thức quản lý, giáo dục học viên (HV) bài bản, những năm qua, Trung tâm (TT) Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Khánh Hòa đã đưa công tác dạy nghề vào đào tạo cho các đối tượng lầm lỡ, nhằm giúp các đối tượng này có nghề trước khi trở về hòa nhập với cộng đồng.

Nằm trên địa bàn xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh), TT Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh có nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, quản lý, giáo dục và dạy nghề cho những người nghiện ma túy, mại dâm. Khả năng tiếp nhận và quản lý thường xuyên hơn 100 người/năm; thời gian cai nghiện là 24 tháng đối với diện bắt buộc, tối thiểu 6 tháng với diện tự nguyện. Để quản lý, giáo dục và dạy nghề cho các đối tượng, TT đã đề ra phương châm quản lý, giáo dục các HV bằng phương pháp cảm hóa là trọng tâm, bởi những người nghiện ma túy, mại dâm thường có mặc cảm rất lớn. Họ rất cần sự đồng cảm, chia sẻ nên chỉ có cảm hóa, giáo dục nhân cách tốt mới có thể đưa họ sớm hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Ông Phạm Đức Tân - Quyền Giám đốc TT cho biết: “HV ở TT là đối tượng đặc biệt, bị bắt buộc hoặc tự nguyện cai nghiện chứ không phải là những đối tượng chịu án nên TT không thể tổ chức quản lý theo kiểu trại giam. Những người quản lý ở TT luôn nêu cao trách nhiệm và có tâm huyết mới quản lý được các đối tượng nghiện ma túy và mại dâm”.

Nghề dệt chiếu cói được đông đảo học viên tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh theo học.

Nhằm giúp các HV sau thời gian học tập, cai nghiện tại TT trở về cộng đồng, xã hội có nghề nghiệp, tạo lập cuộc sống, TT đã không ngừng tìm hiểu và đưa một số ngành nghề phù hợp vào đào tạo. Những ngành nghề mà TT tập trung dạy cho các HV là may, điện dân dụng, mộc, trồng cây lương thực - thực phẩm, đan lát, cơ khí, dệt chiếu cói… Không những thế, TT còn liên kết với TT Dạy nghề huyện Khánh Vĩnh tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ để các HV sau khi trở về có cơ hội xin việc làm. Ông Tân cho biết: “Trước khi đào tạo, chúng tôi để cho các đối tượng tự chọn nghề mình yêu thích rồi mới tổ chức dạy. Trong số những nghề mà TT có thể dạy cho các đối tượng, nghề dệt chiếu cói được đông đảo đối tượng lựa chọn để học, bởi nghề này dễ học, nhẹ nhàng và phù hợp với thể trạng của họ…”. Trong thời gian học tập, cai nghiện tại TT, các HV còn tham gia trồng trọt, chăn nuôi nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày, đồng thời giúp HV rèn luyện sức khỏe để thực hiện tốt quy trình cai nghiện. Thông qua đó, các HV có thêm kinh nghiệm để khi trở về hòa nhập cộng đồng, có thể tham gia lao động sản xuất, mở trang trại chăn nuôi để làm lại cuộc đời. 

Bên cạnh đó, trong thời gian cai nghiện tại TT, HV còn được tiếp thu các bài học về phòng, chống HIV/AIDS, giáo dục nhân cách; học tập nội quy, quy chế, giờ giấc lao động, rèn luyện sức khỏe… nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của các đối tượng trong lao động, học tập. HV Huỳnh Phú Toàn cho biết: “Sinh hoạt, lao động và học tập có nề nếp, nên tôi đã nhận thức được nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng hết sức để cai nghiện và trở về với gia đình, làm lại cuộc đời. Hiện nay, tôi đang theo học lớp dệt chiếu cói. Sau khi trở về, tôi sẽ kiếm sống bằng nghề này”.

Có đến thăm các HV vào giờ học dệt chiếu cói, chúng tôi mới thấy được nỗ lực của họ trong việc học nghề. Bởi lẽ, họ đã ý thức được lỗi lầm của mình và đang quyết tâm phục thiện. Khi được hỏi về vấn đề giải quyết việc làm cho các HV sau khi rời TT, ông Tân cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều e ngại khi nhận những người sau cai nghiện vào làm việc, bởi theo họ, những người nghiện đã từng bị tha hóa về nhân cách và có những “tì vết” trong quá khứ, nên phần lớn người sau cai nghiện tự tạo việc làm hoặc phụ giúp gia đình là chính. Vì vậy, TT đã đưa một số nghề dễ học vào dạy để sau khi các đối tượng lầm lỗi trở về hòa nhập với cộng đồng, xã hội, họ có thể tự kiếm sống bằng chính ngành nghề mà TT đã truyền đạt.

Ông Võ Bình Tân - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: “Những cố gắng của TT chỉ thật sự phát huy được hiệu quả khi bản thân những người cai nghiện có ý chí, quyết tâm và được cộng đồng, xã hội cùng chung sức giúp đỡ…”. Để phát huy được hiệu quả trong công tác dạy nghề, thời gian tới, TT cần gắn kết khâu dạy nghề với khâu liên kết, giới thiệu HV cho các doanh nghiệp để tạo việc làm cho những người một thời lầm lỡ. Có như vậy, công tác cai nghiện mới đạt hiệu quả thiết thực.

VĂN GIANG