09:06, 01/06/2010

Trăn trở với nghề truyền thống

Hiện nay, trước tình hình khó khăn về nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Để tìm hướng đi phù hợp cho nghề truyền thống trong xu thế hội nhập vẫn còn lắm gian nan.

Hiện nay, trước tình hình khó khăn về nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Để tìm hướng đi phù hợp cho nghề truyền thống trong xu thế hội nhập vẫn còn lắm gian nan.

° Nghề truyền thống gặp khó…

Những năm trước, khi hoạt động đánh bắt thủy sản gần bờ mang lại hiệu quả, nhiều ngư dân trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận đã tìm đến thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ - huyện Vạn Ninh) để đặt đóng tàu, bởi tàu do những người thợ nơi đây đóng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt… Ngày đó, các xưởng đóng tàu gỗ ở đây hoạt động hết công suất. Thế nhưng hiện nay, nghề biển gặp khó khăn. Thủy sản gần bờ đang ngày càng cạn kiệt, vì vậy, hoạt động đánh bắt thủy sản đang hướng đến xa bờ, cần những tàu có công suất lớn và hiện đại… Do đó, tàu gỗ với công suất nhỏ, cấu tạo đơn giản đã không còn phù hợp. Thực trạng này khiến các xưởng đóng tàu gỗ ngày càng vắng đơn hàng. Ông Trần Văn Ba - thợ đóng tàu có thâm niên ở Vạn Ninh kể: “Trước đây, chưa vào đến đầu làng đã nghe rộn lên tiếng máy cưa xẻ gỗ, tiếng búa đóng tàu. Hồi đó, rất nhiều người sống nhờ nghề đóng tàu, nhưng giờ chỉ còn 2 xưởng hoạt động”.

Với những người làm nghề đúc đồng ở làng Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh - huyện Diên Khánh), tình cảnh cũng tương tự. Theo nhiều nghệ nhân ở đây, chưa bao giờ làng nghề đúc đồng này lại vấp phải khó khăn như hiện nay. Trước đây, tuy làng nghề đúc đồng hoạt động tự phát nhưng không kém phần sôi động. Cả làng sống bằng nghề đúc đồng. Bây giờ, trong làng chỉ còn một vài lò còn hoạt động, sản phẩm chủ yếu là các đồ thờ cúng, nhưng tiêu thụ cũng rất chậm. Ông Biện Cư - một người thợ đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề tâm sự: “Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây bây giờ rất vắng. Nguyên liệu tăng, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm nên cả làng chỉ còn vài hộ theo nghề”.

Không chỉ nghề đóng tàu gỗ ở thôn Tuần Lễ, nghề đúc đồng ở Phú Lộc Tây gặp khó khăn mà các nghề truyền thống khác như: Nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch (xã Ninh Hà - huyện Ninh Hòa), nghề làm nón (thị trấn Diên Khánh - huyện Diên Khánh… cũng chung tình cảnh.

° Gian nan tìm hướng đi

Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Văn Xi - chủ một xưởng đóng tàu gỗ ở Tuần Lễ (Vạn Ninh) cho biết, hiện nay, giá nguyên vật liệu để đóng tàu rất cao. Các loại gỗ dùng để đóng tàu cũng khan hiếm. Muốn đóng được một chiếc tàu gỗ chạy máy công suất 20CV phải mất khoảng 20 triệu đồng tiền gỗ, tiền nhân công làm trong 3 tháng cũng hơn 20 triệu đồng; thêm các chi phí khác phải mất hơn 60 triệu đồng, còn đóng mới tàu gỗ loại lớn phải bỏ ra hàng trăm triệu. Trong khi đó, khai thác thủy sản gần bờ gặp khó khăn nên rất ít người đến đây đặt đóng tàu.

Khó khăn do giá cả nguyên liệu tăng cao, đầu ra không ổn định… đã khiến cho nhiều làng nghề điêu đứng. Theo tính toán của ông Biện Cư, để đúc được một bộ lư đèn cỡ cao khoảng 65cm phải mất gần 5 triệu đồng mua đồng nguyên liệu, cộng với chi phí nhân công, chất đốt tăng…; tuy nhiên bán sản phẩm chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng/bộ nên lãi không được bao nhiêu. Theo những người làm nghề đúc đồng ở Phú Lộc Tây, nghề truyền thống này bị mai một là do giá phế liệu đồng, chất đốt đều tăng cao. Trong khi đó, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, vì bây giờ ít người sử dụng những bát hương, bộ đèn bằng đồng đúc thủ công để thờ cúng. Nhiều người đã chuyển sang sử dụng những vật dụng bằng sành sứ, nhựa, gỗ mỹ nghệ… được sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại.

Hiện nay, phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch được xem là một trong những hướng đi phù hợp cho các làng nghề. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ dàng, bởi việc phục vụ du lịch hiện chưa mang lại hiệu quả, chưa có tính ổn định cho những hộ làm nghề tại các địa phương. Để người làm nghề truyền thống thực sự sống được bằng nghề, cần giải được bài toán nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm - nguyên nhân khiến một số nghề truyền thống trên địa bàn gặp khó khăn. Ngoài ra, để tạo dựng được chỗ đứng cho nghề truyền thống, cần phải có sự “cách tân” từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, các nghệ nhân, người thợ làm nghề phải tự trang bị cho mình kiến thức, có những ý tưởng mới, kết hợp tinh hoa giữa truyền thống và hiện đại để làm ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các nghề truyền thống cũng cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng về vốn vay ưu đãi, giới thiệu thị trường…

Hiện nay, ở Phú Lộc Tây (Diên Khánh) còn rất ít hộ theo nghề đúc đồng
Với tình trạng khó khăn như hiện nay, người làm nghề truyền thống khó sống được bằng nghề. Nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang bị mai một. Chia tay những người thợ làm nghề truyền thống, chúng tôi mang theo bao nỗi băn khoăn. Không biết bao giờ làng nghề mới hết khó khăn, hướng đi nào cho nghề truyền thống trong xu thế hội nhập hiện nay…? Nếu không có giải pháp hợp lý cho nghề truyền thống, có thể không bao lâu nữa, hình ảnh những người thợ đúc đồng, đóng tàu gỗ, dệt chiếu… chỉ còn lại trong ký ức.

BÍCH LA