04:06, 21/06/2010

Tâm sự của phóng viên trẻ

Với không ít bạn trẻ, nghề báo luôn là một nghề có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hãy nghe các nhà báo trẻ ở Báo Khánh Hòa tâm sự về nghề báo.

Với không ít bạn trẻ, nghề báo luôn là một nghề có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hãy nghe các nhà báo trẻ ở Báo Khánh Hòa tâm sự về nghề báo.

° Phóng viên Nguyễn Đình Lâm: Tôi thích nghề báo

Khi được nhận vào Báo Khánh Hòa thử việc, tôi được Ban Biên tập cử về Phòng Bạn đọc để tập sự. Vốn là phòng chuyên giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo nên phóng viên phòng này luôn phải đối mặt với những khiếu kiện. Ngay từ những bài viết đầu tiên, tôi đã liên tục gặp những cú “phản pháo” của các bên liên quan. Là phóng viên thử việc, non về nghề, non cả kinh nghiệm nên tôi cảm thấy lúc nào cũng bị áp lực. Dù rất yêu nghề, song trước những khó khăn gặp phải, tôi cảm thấy hoang mang vô cùng. Tuy nhiên, ở giai đoạn khó khăn cũng là lúc tôi nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Nhà báo Minh Hương (người hướng dẫn phóng viên tập sự) đã góp ý cho tôi từng câu, từng chữ; chỉ bảo từ việc thu thập tài liệu cho đến cách thức điều tra. Bên cạnh đó, các anh, chị đồng nghiệp ở cơ quan luôn động viên để tôi cố gắng. Từ những tình cảm tốt đẹp ấy, dần dần tôi đã tiếp cận được với nghề. Tuy nghề báo là nghề rất vất vả, nhưng quả thực nó đã đã đem đến cho tôi nhiều niềm vui. Vẫn biết, sẽ còn những chông gai ở phía trước, nhưng tôi nghĩ mình đã quyết định đúng khi đã chọn nghề báo làm lối đi cho mình!

° Phóng viên Trần Thị Kim Dung:  Người làm báo cần có tác phong chuyên nghiệp

Trách nhiệm và vinh dự của người làm báo là người đưa tin, mang đến độc giả những tin tức mới nhất; người định hướng, dẫn dắt dư luận bằng cái nhìn, cách phản ánh khách quan nhất. Cái hay dở, đúng sai trong bài viết của mỗi phóng viên đều ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín của tờ báo và niềm tin của công chúng, độc giả đối với báo chí. Phóng viên trẻ là người non nớt trong trải nghiệm làm nghề, thiếu kỹ năng làm báo nên điều cần thiết trước hết là phải trau dồi, học hỏi: Học từ những nhà báo dày dặn kinh nghiệm, từ đồng nghiệp, học từ những va chạm ngoài xã hội, từ chính môi trường tác nghiệp mà mình trải qua. Để tác nghiệp chủ động thành công, người làm báo cần có tác phong chuyên nghiệp: Chuyên nghiệp từ khâu trang bị, sử dụng phương tiện làm việc như máy ảnh, máy ghi âm, máy tính, điện thoại liên lạc; chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện đề tài: cách nhìn nhận vấn đề, cách đặt câu hỏi phỏng vấn, cách khai thác thông tin… Bên cạnh đó, làm báo đòi hỏi một tư duy nhạy bén và cách xử trí vấn đề khéo léo, phải luôn cẩn trọng, chỉn chu và cầu toàn trong từng câu chữ và luôn tỉnh táo để soi xét thông tin đa chiều, tránh cái nhìn chủ quan, phiến diện. Thú thực, phóng viên trẻ như tôi không phải không có lúc thấy nản, thấy khó khăn, đơn cử như việc bị từ chối cung cấp thông tin, bị áp lực thời gian hay bị “ý kiến” vì những bài viết “có vấn đề”… Nhưng xét cho cùng, nghề nào chẳng có cái khó, cái nhọc nhằn. Một khi còn sức trẻ và còn nhiệt thành thì cứ cố gắng. Những người đi trước vẫn dạy, nghề có phụ ai bao giờ, có chịu khó trau dồi thì những bước đi chập chững ban đầu mới vững vàng hơn qua thời gian.

° Phóng viên Xuân Thành: Cần phải có niềm đam mê

Vào nghề báo đã hơn 5 năm, trong khoảng thời gian ấy, tôi đã vỡ ra được nhiều điều. Nghề báo không “nhàn hạ” như những gì người ta nghĩ. Muốn có những tác phẩm báo chí thành công, người viết phải chịu khó tìm tòi đề tài, thu thập tư liệu, chụp ảnh… Ai cũng biết vậy nhưng không phải ai cũng làm tốt, bởi để đạt được điều đó, đòi hỏi người làm báo cần phải có đam mê, có sự dấn thân. Còn nhớ cuối năm 2009, khi nhận được thông tin người dân ở Ninh Ích bắt được cá sấu (vùng này từ trước đến nay không có cá sấu), cánh phóng viên chúng tôi liền lên đường.

Ban đầu chỉ nghỉ là chuyện nhỏ, nhưng khi ra đến nơi, sự việc ngày càng diễn biến phức tạp. Số lượng cá sấu mà người dân bắt được ngày càng nhiều, khi chúng tôi đang làm việc ở xã Ninh Ích thì nhận được thông tin người dân đi bơm nước bị cá sấu cắn… Việc người dân bị cá sấu tấn công đã thành sự thật, chứ không còn là nguy cơ. Ngay sau đó, chúng tôi đã có bài viết phản ánh ngay tình trạng này, đặt nghi vấn đây là cá sấu sổng chuồng từ trại nuôi cá sấu của một doanh nghiệp và yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp thu gom cá sấu để tránh nguy hiểm cho người dân. Tuy doanh nghiệp có phản ứng nhưng sự thật cuối cùng vẫn là sự thật. Những vụ việc như vậy đã tiếp cho tôi thêm niềm tin trong cuộc đời cầm bút còn non trẻ của mình.

Nghề báo đã giúp tôi gặp nhiều đối tượng khác nhau, từ các bậc lãnh đạo, văn nghệ sĩ trí thức, cho đến những người nông dân chân lấm tay bùn. Và thật sự tôi đã nhìn thấy ở họ những “nét đẹp” riêng mà như nhà thơ Evgeny Evtushenko đã từng viết: “Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Mỗi số phận riêng dù rất nhỏ/Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?”… Những số phận, tính cách riêng ấy rất đáng để người làm báo quan tâm…

 

NGỌC KHÁNH (Ghi)