Từ ngày 20-5, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chở trẻ em đủ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Tuy quy định xử phạt đã có hiệu lực gần 3 tuần nhưng hiện vẫn còn nhiều phụ huynh chở trẻ em ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy...
Từ ngày 20-5, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chở trẻ em đủ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm (MBH) sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Tuy quy định xử phạt đã có hiệu lực gần 3 tuần nhưng hiện vẫn còn nhiều phụ huynh chở trẻ em ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy chưa chấp hành việc đội MBH cho trẻ.
Thượng tá Phan Long Để - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh cho biết, sau gần 3 tuần ra quân kiểm tra, xử lý, việc chấp hành đội MBH cho trẻ em đủ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy ở Khánh Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực so với khi chưa có quy định này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phụ huynh chưa chấp hành tốt việc đội MBH cho trẻ đủ 6 tuổi trở lên khi ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy.
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhằm hạn chế thương vong khi tai nạn xảy ra, nhưng các bậc phụ huynh dường như chưa ý thức được điều này. |
Thượng tá Phan Long Để cho biết: “Từ khi Chính phủ có quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, nhìn chung ý thức chấp hành của người tham gia giao thông ngày càng đi vào nề nếp. Tuy nhiên, đối với trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, nhiều phụ huynh vẫn chưa chú ý việc đội MBH cho con em, họ thường đổ lỗi cho khách quan để biện minh cho sai phạm của mình. Các bậc phụ huynh cần nhận thức được rằng, việc đội MBH cho trẻ không chỉ là chấp hành quy định của Chính phủ mà còn nhằm bảo vệ các em khi có tai nạn giao thông hoặc va chạm giao thông xảy ra”.
Theo Thượng tá Để, khó khăn lớn nhất của lực lượng CSGT trong việc xử lý phụ huynh chở trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên không đội MBH vẫn là việc xác định các em đã đủ 6 tuổi hay chưa. Bởi phụ huynh thường phân trần hoặc nói dối là trẻ chưa đủ 6 tuổi. Khi xử lý các trường hợp vi phạm, CSGT phải căn cứ vào Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ, kiểm tra giấy khai sinh do gia đình cung cấp chứ không thể kiểm tra bằng mắt thường hay căn cứ vào thể trạng thực tế của các em. Tuy nhiên, phụ huynh thường không có thói quen mang theo giấy khai sinh của con em khi tham gia giao thông. Những trường hợp gia đình không xuất trình được giấy khai sinh, lực lượng chức năng phải áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện trong khi chờ gia đình cung cấp giấy khai sinh. Mặt khác, giấy khai sinh không dán ảnh nên cũng gây khó khăn cho việc xác định. “Quy định mới ra đời đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi di chuyển bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy. Thời gian đầu thực hiện, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh, chưa tiến hành xử phạt. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên truyền nhắc nhở, chúng tôi sẽ xử phạt theo đúng quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ” - Thượng tá Phan Long Để khẳng định.
Thiết nghĩ, tạo thói quen đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy chính là để bảo vệ tính mạng cho con em mình. Bà Mirjam Sidik - Giám đốc điều hành Quỹ phòng, chống thương vong châu Á khẳng định: “Đội MBH giúp trẻ em giảm 79% nguy cơ chấn thương sọ não và 42% nguy cơ tử vong nếu xảy ra tai nạn giao thông hoặc va chạm giao thông”.
CẨM VÂN