07:06, 22/06/2010

Những kỳ vọng từ Cụm công nghiệp Sông Cầu - Khánh Vĩnh

Khánh Vĩnh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Khánh Hòa, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch tích cực.

Khánh Vĩnh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Khánh Hòa, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế (CCKT) của huyện đã có sự chuyển dịch tích cực. Sự ra đời của Cụm công nghiệp (CCN) Sông Cầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCKT theo hướng CN - dịch vụ - thương mại của địa phương; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân...

Những năm qua, nhờ hiệu quả của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp nông thôn, nên KT huyện Khánh Vĩnh có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 5 năm trở lại đây, KT của huyện tăng trưởng khá, CCKT chuyển dịch theo hướng tích cực. GDP tăng bình quân 8,68%, trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 4,46%, CN - xây dựng tăng 14,84%, dịch vụ tăng 9,62%. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất CN toàn huyện đạt 26,479 tỷ đồng, bằng 46,7% kế hoạch, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong CCKT nói trên, giá trị sản xuất CN của huyện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, quy mô của các cơ sở CN trên địa bàn còn nhỏ lẻ, phát triển một cách manh mún... Với xu hướng chuyển dịch CCKT của huyện theo hướng CN - dịch vụ - thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương..., sự ra đời của CCN Sông Cầu có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Khánh Vĩnh.

Sản xuất mộc mỹ nghệ - một trong những ngành nghề được ưu tiên phát triển tại Cụm công nghiệp Sông Cầu

CCN Sông Cầu do UBND huyện Khánh Vĩnh làm chủ đầu tư, thuộc địa phận xã Sông Cầu, nằm cạnh đường đi Nha Trang - Đà Lạt và cách TP. Nha Trang 28km, rất thuận lợi về giao thông, thị trường tiêu thụ. CCN này có diện tích khoảng 40ha, là nơi tập trung các cơ sở sản xuất CN vừa và nhỏ, các ngành CN sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghêï mới như chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm (trừ chế biến thủy hải sản tươi sống), chế biến nông lâm sản... Đây là những ngành nghề truyền thống ở địa phương sẽ được ưu tiên phát triển.

Dự kiến quý II/2012, CCN Sông Cầu sẽ hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi đó, các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng trên phần diện tích khoảng 30ha; khu trung tâm điều hành dịch vụ có tổng diện tích xây dựng 1,5ha, được bố trí ngay tại cửa ngõ CCN. Ngoài ra, để cải thiện điều kiện khí hậu trong CCN, 1,5ha đất sẽ được dùng để trồng cây xanh; phần diện tích còn lại sẽ xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, trạm điện, đường giao thông, kho chứa... CCN Sông Cầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch một phần diện tích nông nghiệp, đất chưa sử dụng và đất đồi ít hiệu quả trên địa bàn huyện sang đầu tư CN, tăng thu nhập cho địa phương; tạo điều kiện thu hút đầu tư, góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Dự kiến có khoảng 15 - 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang sản xuất CN...

Có thể nói, CCN Sông Cầu ra đời phù hợp với định hướng phát triển của huyện Khánh Vĩnh là thực hiện chuyển dịch CCKT theo hướng CN - dịch vụ - thương mại; tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại, thay đổi dần các công nghệ cũ không hiệu quả; nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh và góp phần tăng giá trị sản xuất CN trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, CCN sẽ tạo điều kiện sắp xếp, bố trí lại các cơ sở sản xuất tự phát trong các khu dân cư; phát triển các ngành nghề truyền thống của huyện; thu hút và giải quyết một lượng lớn lao động của địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Theo ông Cao Cường - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, thời gian tới, huyện sẽ gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với CNH-HĐH nông nghiệp. Đối với sản xuất CN giai đoạn 2010 - 2015, huyện sẽ triển khai đầu tư CCN Sông Cầu; đồng thời, quy hoạch CCN nhỏ Khánh Bình và Khánh Thượng… Cùng với sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển sản xuất CN, tiểu thủ CN cũng là những mũi nhọn kinh tế của địa phương.

Trước mắt, tuy còn có một số khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, nhưng việc đầu tư cho sự phát triển CN để thúc đẩy quá trình chuyển đổi CCKT của huyện Khánh Vĩnh là một bước đi phù hợp. Đây là yếu tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng sản xuất CN trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện mục tiêu CNH-HĐH của địa phương.

BÍCH LA