Với chủ đề: “Thuốc lá và giới, tập trung vào thực trạng tiếp thị thuốc lá nhằm vào phụ nữ và tình trạng hút thuốc thụ động ở phụ nữ”, năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra lời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và công chúng cùng chung tay bảo vệ phụ nữ khỏi hút thuốc thụ động và tiếp thị thuốc lá.
Với chủ đề: “Thuốc lá và giới, tập trung vào thực trạng tiếp thị thuốc lá nhằm vào phụ nữ và tình trạng hút thuốc thụ động ở phụ nữ”, năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra lời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và công chúng cùng chung tay bảo vệ phụ nữ khỏi hút thuốc thụ động và tiếp thị thuốc lá.
Vấn đề đặt ra là tại sao thuốc lá có tác hại ghê gớm như vậy, nhưng mọi người vẫn không nhận thức được tác hại của thuốc lá như sự nguy hiểm của các dịch HIV/AIDS, SARS, cúm A/H1N1 hay dịch tả… Phải chăng do tác hại của thuốc lá quá âm thầm nên mọi người đã “quên” đi sự nguy hiểm của nó? Sự thật, khói thuốc lá vô cùng độc hại. Theo bác sĩ Bùi Xuân Minh, vai trò gây bệnh của thuốc lá đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo đó, hút thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch… Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng hút thuốc trung bình với đơn vị là bao/năm tính bằng cách lấy số bao thuốc hút trung bình hàng ngày nhân với số năm hút (số lượng thuốc hút bao/năm càng lớn thì nguy cơ càng cao) và thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn. Theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng 700 triệu trẻ em (1/2 số trẻ em trên thế giới) thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động. Đặc biệt, mỗi năm khoảng 50 triệu phụ nữ mang thai trên thế giới bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động trong thời gian mang thai. Tại Mỹ, khói thuốc thụ động gây ra 3.400 ca tử vong vì ung thư phổi và 23.000 - 70.000 ca tử vong về bệnh tim mỗi năm. Khói thuốc thụ động cũng là nguyên nhân gây ra 430 ca đột tử ở trẻ sơ sinh, 24.500 trẻ sơ sinh nhẹ cân, 71.900 ca đẻ non, 200.000 trường hợp hen suyễn và 790.000 ca khám bệnh vì viêm tai giữa. Tại Việt Nam, các nghiên cứu khẳng định cứ 5 trẻ em tuổi từ 13 - 15 thì có 3 em có tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và 2/3 phụ nữ cho biết họ thường xuyên hít phải khói thuốc.
Phụ nữ hiện đang đứng trước nguy cơ cao hút thuốc lá khi các công ty thuốc lá đang đầu tư rất lớn vào các chiến dịch tiếp thị thuốc lá, tập trung vào phụ nữ. Bên cạnh đó, phụ nữ đang ngày càng trở nên độc lập hơn, họ có quyền quyết định chi tiêu trong gia đình, do đó việc mua thuốc lá cũng trở nên dễ dàng hơn đối với họ và họ sử dụng các sản phẩm thuốc lá một cách tự do hơn. Nhiều quốc gia chưa có những hành động đủ cứng rắn để bảo vệ người dân khỏi hút thuốc thụ động; nhiều phụ nữ chưa hiểu được tác hại của hút thuốc thụ động hoặc cảm thấy họ không có quyền kêu ca phàn nàn khi bị phơi nhiễm với khói thuốc là những nguyên nhân khiến phụ nữ đứng trước nguy cơ cao hút thuốc lá thụ động. Điều đáng nói là hiện nay ở một số quốc gia, việc tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá đang đe dọa tới phụ nữ khi các quảng cáo thuốc lá liên hệ sai lệch việc hút thuốc với sắc đẹp của một nửa thế giới cũng như sự độc lập và sức khỏe. Không ít quảng cáo thuốc lá lôi kéo phụ nữ bằng những thông tin sai lệch như: thuốc lá “nhẹ”, “êm”, “dịu”, hút thuốc lá là một biện pháp giúp giảm cân, giữ dáng… Thực tế, nghiện thuốc lá tàn phá sắc đẹp của phụ nữ và làm họ trở thành nô lệ của chất kích thích này.
Để bảo vệ phụ nữ khỏi hút thuốc lá thụ động và tiếp thị thuốc lá, WHO đã ra lời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng biện pháp cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá nơi công cộng và nơi làm việc trong nhà như đã được quy định trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO… Đối với các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, bên cạnh vận động triển khai toàn diện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá, WHO yêu cầu các tổ chức này kêu gọi chính phủ quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của cả nam và nữ giới trong việc xây dựng các chiến lược kiểm soát thuốc lá; chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của việc kiểm soát tình trạng hút thuốc lá ở nữ giới trên phạm vi toàn cầu; hỗ trợ việc thông tin cho phụ nữ về các nguy cơ của hút thuốc và các chiêu thức của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm lôi cuốn họ hút thuốc; nâng cao nhận thức cho nam giới về những tác hại của việc hút thuốc lá thụ động mà họ gây ra cho phụ nữ và trẻ em - những người sống và làm việc cùng họ. Đối với công chúng, WHO kêu gọi lực lượng này yêu cầu chính phủ cấm tất cả các hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; thực thi các quy định của pháp luật để đảm bảo cộng đồng được bảo vệ 100% khỏi hút thuốc thụ động tại nơi công cộng và nơi làm việc; vận động thực hiện quyền của phụ nữ được bảo vệ khỏi tác hại của thuốc lá.
NGỌC KHÁNH