08:06, 08/06/2010

Mong được tiếp tục hỗ trợ hoạt động

Với việc thực hiện sơ cứu kịp thời và đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông hay tai nạn khác vào bệnh viện, qua 4 năm hoạt động, đội xe ôm an toàn của tỉnh đã sơ cứu và chuyển viện kịp thời hàng ngàn trường hợp, giúp hàng trăm người tránh được biến chứng nhờ được sơ cứu kịp thời.

Với việc thực hiện sơ cứu kịp thời và đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) hay tai nạn khác vào bệnh viện, qua 4 năm hoạt động, đội xe ôm an toàn của tỉnh đã sơ cứu và chuyển viện kịp thời hàng ngàn trường hợp, giúp hàng trăm người tránh được biến chứng nhờ được sơ cứu kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình đội xe ôm an toàn đang có nguy cơ bị “rã” khi dự án dành cho mô hình này kết thúc.  

                                            Tập huấn kỹ năng lái xe an toàn.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày, ở Việt Nam có khoảng 11.000 trường hợp thương tích cần được điều trị y tế, trong đó có khoảng 55% nạn nhân bị thương tích không được sơ cứu kịp thời ngay sau khi tai nạn xảy ra. Điều này dẫn đến nhiều tình trạng đáng tiếc như: Nạn nhân bị tử vong hoặc biến chứng do không được sơ cứu kịp thời và đúng cách. Trước tình trạng trên, nhằm tăng cường hiểu biết về an toàn giao thông, giảm  thiểu rủi ro do tai nạn dẫn đến tử vong do thiếu hiểu biết về phương pháp sơ cứu nạn nhân, Tổ chức Counterpart International (Hoa Kỳ) tại Việt Nam đã chọn một số tỉnh, thành phố để triển khai phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có Khánh Hòa. TP. Nha Trang là đơn vị được chọn thực hiện giai đoạn 1 của dự án với nhiều hoạt động thiết thực như: Xây dựng Hội Gia đình an toàn, trường học an toàn, đội xe ôm an toàn… Trong đó, mô hình đội xe ôm an toàn được xem là hiệu quả nhất. 

Giai đoạn đầu, đội xe ôm an toàn có 75 thành viên thuộc 5 phường: Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Vĩnh Lương, Vĩnh Nguyên và Xương Huân (TP. Nha Trang) tham gia. Các thành viên của đội được huấn luyện về sơ cứu ban đầu và kiến thức phòng, chống TNTT, được sát hạch kỹ năng lái xe an toàn. Đội còn được hỗ trợ, trang bị mũ bảo hiểm, đồng phục, túi thuốc sơ cứu, biển báo, dù che nắng tại điểm đỗ xe… Anh Võ Cường - thành viên đội xe ôm an toàn phường Vĩnh Thọ cho biết: “Thời gian cùng làm việc chung vì cộng đồng đã giúp chúng tôi sống có ý thức, trách nhiệm hơn, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Ở giai đoạn 1 (2006 - 2008) của dự án, chúng tôi đã xử lý và sơ cứu kịp thời 3.500 trường hợp bị TNGT, chuyển viện 2.000 nạn nhân, sơ cứu 1.500 trường hợp khác bị bỏng, té, chó cắn… Nhờ đó, uy tín của đội xe ôm an toàn được tăng lên, thu nhập của chúng tôi từ đó cũng được cải thiện nhiều…”. Ngoài tham gia sơ cứu, đội xe ôm an toàn còn tham gia phòng, chống bão lụt, cứu trợ…

Trước thành công của mô hình đội xe ôm an toàn, Tổ chức Counterpart International tiếp tục chọn Khánh Hòa để triển khai giai đoạn 2 (2008 - 2010) của dự án thông qua Chương trình “Tăng cường chăm sóc chấn thương trước nhập viện”. Từ các đội xe ôm ở TP. Nha Trang, giai đoạn 2, mô hình đội xe ôm an toàn được triển khai rộng ra các địa phương Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh với gần 300 thành viên mới. Đến nay, đội xe ôm an toàn của tỉnh đã sơ cứu cho khoảng 5.500 trường hợp do TNGT, chuyển cấp cứu khoảng 3.000 trường hợp cấp cứu khác, sơ cứu khoảng 2.000 trường hợp khác.

Thành viên đội xe ôm an toàn tập huấn kỹ năng sơ cứu.
Hiện nay, dự án phòng, chống TNTT đã kết thúc. Nhiều thành viên của đội xe ôm an toàn lo lắng cho tương lai của đội. Anh Lê Đặng Thái Hiền - thành viên đội xe ôm an toàn ở Đại Lãnh (Vạn Ninh) bày tỏ: “Tôi tham gia đội được 2 năm. Mô hình này không chỉ giúp cho chúng tôi biết cách sơ cứu người kịp thời, mà còn giúp anh em chúng tôi xây dựng được lối sống có tổ chức, kỷ luật, biết tương thân, tương trợ - điều mà chúng tôi không có được khi chưa tham gia đội. Hiện nay, dự án phòng, chống TNTT đã kết thúc. Chúng tôi không biết mô hình đội xe ôm an toàn có được tồn tại hay không. Chúng tôi mong các ngành chức năng của tỉnh hãy chung sức tạo điều kiện để hoạt động của đội xe ôm an toàn được tiếp tục duy trì”. Anh Đỗ Hữu Luận - thành viên đội xe ôm an toàn ở Cam Ranh cho biết: “Hiện nay, anh em trong đội xe ôm an toàn vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động, nhưng không biết kéo dài được bao lâu. Khi còn dự án, đội chúng tôi được hỗ trợ về bông băng, thuốc men… để sơ cứu khi gặp người bị tai nạn, còn dự án kết thúc, chúng tôi không biết có còn nhận được sự hỗ trợ này không. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh, Sở Y tế, các ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ đội về thuốc men, bông băng… theo định kỳ như trước đây, để chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động với màu áo của mình - màu áo xanh an toàn cho cuộc sống”.

THI CA