Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác này. Xác định tầm quan trọng của chiến lược trên, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai Nghị quyết 48 phù hợp với tình hình địa phương.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác này. Xác định tầm quan trọng của chiến lược trên, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai Nghị quyết 48 phù hợp với tình hình địa phương.
° Kết quả ban đầu
Về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), 5 năm qua, công tác này về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về tính toàn diện, tính thống nhất, đồng bộ. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07 về “quy chế soạn thảo, ban hành, rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh”. Quy chế ban hành đã đảm bảo cho việc thực hiện đúng các nội dung trong quy trình soạn thảo văn bản QPPL, hướng tới việc minh bạch hóa xây dựng chính sách pháp luật ở địa phương. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2005 - 2010, tỉnh không có nghị quyết sai với chủ trương, chính sách hoặc không đúng thẩm quyền; thể thức văn bản không bị chỉnh lý hay hủy bỏ. Nội dung các văn bản xây dựng chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi cao, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển trong nhiều năm qua. Về tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật, 5 năm qua, tỉnh đã chú trọng đến việc kiện toàn bộ máy tổ chức các cơ quan tư pháp, trong đó đặc biệt chú trọng công tác kiện toàn đội ngũ thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự các cấp. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang tồn tại nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết. Biên chế các cơ quan thi hành án dân sự hiện chưa đủ theo chỉ tiêu do gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, vì vậy đội ngũ cán bộ thi hành án chưa được bổ sung kịp thời; tình trạng quá tải công việc diễn ra phổ biến tại nhiều cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến có lúc, có nơi còn để xảy ra những vấn đề nổi cộm, khiếu nại.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật cũng được tỉnh chú trọng. Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được các cơ quan hữu quan của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2005 đến năm 2010, Trung tâm TGPL của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch TGPL lưu động hàng năm, tổ chức TGPL lưu động tại địa phương theo từng tháng. Toàn tỉnh hiện có 123 cộng tác viên TGPL và 42 câu lạc bộ TGPL. Tỉnh thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL cho các cộng tác viên, qua đó nâng cao năng lực tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật.
° Còn nhiều khó khăn
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị tại Khánh Hòa nhìn chung đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị định… đã có hiệu lực pháp luật nhưng thiếu thông tư, văn bản triển khai, hướng dẫn nên dẫn đến việc thực hiện không đồng bộ, gây khó khăn trong thực thi pháp luật. Hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các ngành; hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến còn khô khan… Bên cạnh đó, một số sở, ban, ngành chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; công tác góp ý, thẩm định văn bản QPPL chưa được chú trọng, hoặc có thực hiện nhưng còn mang tính hình thức. Về công tác rà soát, kiểm tra văn bản QPPL, một số nội dung chưa được các cấp, các ngành ở địa phương tổ chức thực hiện đúng yêu cầu. UBND các cấp chưa thực hiện đúng quy định gửi văn bản QPPL do cấp mình ban hành về cơ quan kiểm tra văn bản để thực hiện việc kiểm tra văn bản theo quy định; chưa xây dựng và tổ chức thực hiện được chương trình, kế hoạch kiểm tra văn bản của địa phương mình, ngành mình; việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này, trong đó chủ yếu là do trình độ am hiểu về pháp luật của cán bộ; công tác tham mưu, đề xuất của lãnh đạo một số sở, ngành còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Chính vì vậy, trong định hướng và giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế này. Bên cạnh việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, kiện toàn tổ chức hoạt động của các cơ quan thi hành pháp luật, tỉnh sẽ tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên viên am hiểu sâu từng lĩnh vực; xây dựng, hình thành một số cơ chế cụ thể nhằm thu hút việc tham gia đóng góp xây dựng pháp luật rộng rãi trong cộng đồng, phát huy hiệu quả trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và thi hành pháp luật… Tuy nhiên, để thực hiện tốt những giải pháp này, tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có chính sách đãi ngộ đối với công chức làm công tác văn bản và thi hành pháp luật để thu hút và giữ chân cán bộ yên tâm công tác lâu dài trong các cơ quan, đơn vị; từ đó tạo điều kiện ổn định và củng cố, kiện toàn các cơ quan tham mưu cũng như các thiết chế thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử; quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân đối với hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức trong thực thi công việc, tạo cơ hội cho nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
HẢI NGUYỆT