Theo Kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em dưới 5 tuổi của UBND tỉnh Khánh Hòa năm 2010, đến cuối năm 2010, tỷ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi giảm còn dưới 10%. Tuy nhiên, nếu công tác này không được thực hiện tốt trong những tháng còn lại thì rất khó đạt được mục tiêu.
Theo Kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em dưới 5 tuổi của UBND tỉnh Khánh Hòa năm 2010, đến cuối năm 2010, tỷ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi giảm còn dưới 10%. Tuy nhiên, nếu công tác này không được thực hiện tốt trong những tháng còn lại thì rất khó đạt được mục tiêu.
Tình hình SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có những cải thiện đáng kể. Năm 2009, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 15,84%, mức giảm trung bình hàng năm đạt từ 1,4 - 1,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em SDD ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn còn khá cao: Khánh Sơn 42,2% và Khánh Vĩnh 46,15%. Năm 2009, toàn tỉnh có khoảng 15.538 trẻ em bị SDD.
Kiểm tra cân nặng trẻ em bị suy dinh dưỡng. |
Với mục tiêu giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh xuống dưới 10% vào cuối năm 2010, UBND tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp tích cực như: Tăng cường chăm sóc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt chú ý đến phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú; thực hiện truyền thông tư vấn, giáo dục dinh dưỡng thay đổi hành vi, chú trọng công tác giáo dục dinh dưỡng cho đối tượng phụ nữ ở lứa tuổi tiền hôn nhân và giáo dục truyền thông kết hợp với thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, các bà mẹ có con dưới 5 tuổi; bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hoặc viên sắt cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ em, bổ sung muối i-ốt hợp lý cho cộng đồng; đẩy mạnh giáo dục nuôi dưỡng trẻ em, tập trung vào giáo dục lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung cho trẻ; chăm sóc phòng, chống nhiễm khuẩn cho trẻ em; an toàn vệ sinh thực phẩm trong ăn uống…
Để thực hiện những biện pháp trên một cách hiệu quả, UBND tỉnh sẽ củng cố mạng lưới phòng, chống SDD từ xã đến huyện, trong đó lấy đội ngũ cộng tác viên làm lực lượng chủ yếu, trực tiếp tiếp cận và cân, đo trẻ theo định kỳ (cân ít nhất 3 tháng/lần đối với trẻ em từ 0 - 24 tháng tuổi, riêng trẻ em SDD mỗi tháng cân 1 lần). Ngoài ra, việc cân đo trẻ em để theo dõi tăng trưởng được tiến hành 1 năm/lần, thời gian cân từ ngày 1 đến 30-6 (với mục tiêu số trẻ được cân đạt khoảng 95%); cũng trong thời gian này, kết hợp đo chiều cao cho trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống SDD ở trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức kết hợp với thực hành dinh dưỡng, trình diễn mô hình tại các thôn bản… Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế là đơn vị tổ chức thực hiện chính, chủ động chỉ đạo các đơn vị cấp dưới và phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện.
Với mức giảm trung bình trong năm đề ra là 6%, các địa phương trong tỉnh cần tập trung nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt, sâu sát công tác phòng, chống SDD trẻ em trên địa bàn, nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.
M.T