Hơn 29.800 lượt người tới tham quan và mua sắm; doanh số bán hàng đạt gần 1,5 tỷ đồng - đó là kết quả khả quan sau 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại Cam Lâm và Vạn Ninh (Khánh Hòa) diễn ra từ ngày 10 đến 13-6.
Hơn 29.800 lượt người tới tham quan và mua sắm; doanh số bán hàng đạt gần 1,5 tỷ đồng - đó là kết quả khả quan sau 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại Cam Lâm và Vạn Ninh (Khánh Hòa) diễn ra từ ngày 10 đến 13-6. Đây chính là cơ sở để Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp - BSA phối hợp với các địa phương để từng bước xây dựng những chương trình quy mô hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia hơn, với số lượng mặt hàng phong phú hơn.
36 DN có sản phẩm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (do Báo Sài Gòn Tiếp thị bình chọn) và một số DN có hàng chất lượng tốt của Khánh Hòa tham gia phiên chợ này đều chung nhận định: Thị trường nông thôn rất dồi dào tiềm năng để DN khai thác, thiết lập kênh phân phối mới và mở rộng thị phần.
. Doanh nghiệp bất ngờ, người dân phấn khởi
Phiên chợ đã thu hút được gần 30 ngàn lượt người ở Cam Lâm và Vạn Ninh. |
Anh Phạm Xuân Sơn - Giám đốc kinh doanh khu vực miền Trung của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết: “Hàng bán chạy nhất là vào buổi tối. Chỉ trong 2 giờ buổi tối, doanh số của Công ty tăng đột biến, đạt gần 20 triệu đồng. Nhân viên bán hàng phục vụ không xuể”. Anh Ngô Sắn, quản lý gian hàng của Công ty Sách Fahasa cũng hào hứng: “Sách giáo khoa, sách tham khảo… của Fahasa ưu tiên giảm giá 10% nên không khí mua sắm rất sôi nổi”.
Người dân mong muốn có những phiên chợ hàng Việt được tổ chức dài hơn, quy mô hơn. |
. Cần những chương trình quy mô hơn
Những phản hồi tốt từ chương trình tiếp tục khẳng định tiềm năng to lớn của thị trường nông thôn mà nhiều DN đang hướng tới. Tuy mới có 36 DN tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, nhưng so với năm ngoái, con số này đã nhiều gần gấp đôi. Điều này cũng phần nào cho thấy đánh giá của nhiều DN về thị trường nông thôn đã khác trước. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên chương trình đến với 2 huyện nên người dân không khỏi bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, do mỗi phiên chợ chỉ kéo dài 2 ngày 1 đêm nên hiệu quả doanh thu và tác động xã hội vẫn còn hạn chế. Điều mà BSA mong muốn phối hợp các địa phương thực hiện trong thời gian tới chính là từng bước xây dựng những chương trình quy mô hơn, thời gian tổ chức dài hơn, số DN tham gia đông hơn, số gian hàng và chủng loại hàng hóa cũng phải tăng lên.
Theo ông Phạm Trọng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), chủ trương của Bộ Chính trị về người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã được thực hiện tương đối tốt nhờ nỗ lực của các DN, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá. Hàng Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường nông thôn dễ dàng hơn nếu song song với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, DN tự tổ chức các hội chợ quy mô vừa, bán hàng với giá ưu đãi. Nói về việc đưa hàng Việt đến những địa bàn miền núi xa xôi như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, ông Thái cho biết: “Khảo sát cho thấy, nhìn chung, nhận thức của người dân khu vực miền núi chưa cao, việc phân phối hàng Việt còn rất yếu. Do đó, trước mắt cần hoàn thiện kênh phân phối tại những nơi có sức mua tương đối như ở vùng ven đô thị, tạo tiền đề hướng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa.”
KIM DUNG