Theo kết quả thống kê của UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 1.556 thủ tục hành chính, trong đó có 1.172 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh...
Ảnh minh họa |
° TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI HÓA
Kết quả trên cho thấy, việc thực hiện cải cách TTHC giai đoạn 2001 - 2010 được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát yêu cầu chương trình, kế hoạch của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến cơ bản về mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với công dân, tổ chức, rút ngắn thời gian giải quyết, trong đó tập trung một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân, tổ chức như: tài nguyên môi trường, xây dựng, thuế, hải quan… Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTHC và CCHC. Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cải cách TTHC, xóa bỏ các thủ tục quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm. Nhiều văn bản được tham mưu, ban hành kịp thời, tạo thuận lợi để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần tích cực duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh cải cách TTHC. Mặt khác, nhờ chủ động trong việc rà soát, xử lý các văn bản không còn phù hợp nên khắc phục nhanh hơn những bất cập, chồng chéo trong hệ thống thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, công tác hiện đại hóa nền hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp cũng được các sở, ngành tập trung thực hiện. Một số đơn vị cấp huyện đã hoàn thành việc đầu tư, nâng cấp phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp xã; 23 cơ quan hành chính đang triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (2008). Trong đó, điển hình có Sở Xây dựng đã được cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trong lĩnh vực cấp phép xây dựng (gồm 6 thủ tục). Hiện Sở đang tiếp tục đưa thêm một số lĩnh vực, thủ tục vào áp dụng theo ISO (gồm 27 thủ tục). Sở Tài nguyên và Môi trường hiện có 4 lĩnh vực với 12 thủ tục được cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (2008); Cục Hải quan có 6 quy trình hệ thống và 23 quy trình giải quyết công việc đã được Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Quacer đánh giá và đang đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008.
Việc triển khai thí điểm mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại để giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp thông qua cách thức tổ chức công việc hợp lý và các công cụ hỗ trợ hiện đại cũng đã được các ngành, các địa phương thực hiện khá tốt. Hầu hết tại các sở, ngành, địa phương, số lượng hồ sơ được giải quyết đúng hạn, sớm hạn chiếm tỷ lệ cao. Ở Sở Xây dựng, từ năm 2005 đến nay, 100% hồ sơ tiếp nhận được giải quyết đúng hạn, sớm hạn; tại Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2009, số hồ sơ giải quyết đúng hạn, sớm hạn đạt hơn 90%; Cục Hải quan tỉnh đã tiếp nhận hơn 111.000 hồ sơ và được giải quyết đúng hạn theo quy định (từ tháng 10-2001 đến tháng 12-2009)…
° CẦN NHIỀU HƠN MÔ HÌNH “MỘT CỬA”
Tuy công tác CCHC thời gian qua đã có nhiều chuyển biến nhưng thực tế vẫn còn một số hạn chế như: một số cơ quan, đơn vị còn bị động, lúng túng trong việc phát hiện và xử lý các bất cập, vướng mắc về chính sách, quy trình TTHC; TTHC trong một số lĩnh vực về đất đai, đầu tư, xây dựng… còn rườm rà, phức tạp; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới… Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp chưa được đề cao đúng mức; việc kiểm tra, đôn đốc về CCHC của các cơ quan, địa phương chưa thường xuyên; chưa có chế tài cụ thể đối với việc thực hiện không nghiêm các nội dung, chương trình CCHC…
Để khắc phục những tồn tại này, cần phải đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính Nhà nước. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần kịp thời có các quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất về phân cấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; trong thực hiện TTHC giữa các cấp chính quyền địa phương (Trung ương - tỉnh - huyện - xã), của từng ngành, từng lĩnh vực (đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, xây dựng…). Mặt khác, cần thực hiện nhiều hơn mô hình một cửa liên thông vì thực tế cho thấy, những mô hình này được triển khai tại một số địa phương thời gian qua mang lại hiệu quả cao, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả việc cải cách TTHC, cần gắn việc thực hiện mô hình một cửa liên thông hiện đại hóa với đơn giản hóa TTHC và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.
HẢI NGUYỆT