07:05, 01/05/2010

Trường Sa “đang đập nhịp tim người”(*)

Cuối tháng Tư, đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa) nắng như đổ lửa, biển không gợn sóng, phẳng lặng nhưng tất cả các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và những người con từ đất liền ra vẫn cảm thấy thật dễ chịu. Tại lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Trường Sa, không ít giọt nước mắt đã rơi… Để có được cuộc sống thanh bình như hôm nay, quân và dân huyện đảo đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh. Tất cả luôn vì Trường Sa thân yêu của Tổ quốc!   

Cuối tháng Tư, đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa) nắng như đổ lửa, biển không gợn sóng, phẳng lặng nhưng tất cả các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và những người con từ đất liền ra vẫn cảm thấy thật dễ chịu. Tại lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Trường Sa, không ít giọt nước mắt đã rơi… Để có được cuộc sống thanh bình như hôm nay, quân và dân huyện đảo đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh. Tất cả luôn vì Trường Sa thân yêu của Tổ quốc!    

. Những chiến công huy hoàng

 Hiện nay, tại các đảo và điểm đảo thuộc huyện Trường Sa đều có điện 24/24 giờ.

Chuyến đi của chúng tôi ra thăm Trường Sa lần này đúng vào dịp mà cách đây 35 năm, quân ta đang thần tốc tiến ra biển Đông, giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đoàn ra thăm đảo hôm nay, có một chiến sĩ Hải quân từng tham gia các trận đánh giải phóng quần đảo Trường Sa - Đại tá Nguyễn Ngọc Quế - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bộ đội đặc công nước Đoàn 126.

Ông Quế bồi hồi kể lại: Năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân cấp tốc triển khai kế hoạch tác chiến, kiên quyết không để lực lượng khác đến đánh chiếm quần đảo Trường Sa. Ngay sau đó, lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa gồm: Đội 1 Đoàn 126 đặc công, một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 Quân khu 5 nhanh chóng nhận nhiệm vụ lên các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 thẳng tiến ra biển. Theo phương án tác chiến, mục tiêu là các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, dưới sự chỉ huy của đồng chí Mai Năng - Đoàn trưởng Đoàn 126. Với phương châm bí mật, bất ngờ để tiến công, lợi dụng yếu tố thủy văn, chúng tôi bí mật đổ quân lên đảo từ 0 đến 2 giờ sáng. Đúng 4 giờ 30 ngày 14-4-1975, quân ta nổ súng trên đảo Song Tử Tây. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, lá cờ Tổ quốc đã được treo lên cột cờ phía Đông đảo. Ngày 25-4-1975, đảo Sơn Ca được giải phóng. Ngày 27-4-1975, đảo Nam Yết và Sinh Tồn cũng được giải phóng. 16 giờ ngày 28-4-1975, chúng tôi đập tan hàng ngũ cuối cùng của địch ở đảo Trường Sa và đúng 9 giờ 30 ngày 29-4-1975, chúng tôi làm chủ  toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Ông Quế còn cho biết, trong trận đánh mở màn ở đảo Song Tử Tây, chỉ sau 1 giờ, bộ đội ta đã diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu 2 đại liên, 1 DKZ, 2 cối  60, 2 trung liên và một số súng bộ binh các loại. Ông Quế ngậm ngùi: “Cũng trong trận mở màn đó, 2 đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này”.

. Ươm mầm xanh giữa biển

Đã có thêm nhiều xóm làng mới với các cư  dân đến từ mọi miền của Tổ  quốc.

Giải phóng được vùng đảo đã khó, nhưng đưa sự sống về với Trường Sa còn khó hơn nhiều. Trong 35 năm xây dựng và trưởng thành, rất nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã dãi dầu cùng biển mặn nơi đây. Thượng tá Trịnh Vương Vượng, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Đoàn Trường Sa, người đã có 30 năm gắn bó với đảo, cho biết: “Đi qua những hàng cây phong ba, bàng vuông mà hơn 10 năm trước mình đã ươm trồng ở các đảo, tôi luôn có cảm giác thân thương, gần gũi”. Để có được màu xanh đầy sức sống như hôm nay, quân và dân đảo Trường Sa đã phải kỳ công đào lớp đá san hô thành hố suốt 2 - 3 tháng rồi mới ươm cây. Và hôm nay, những hòn đảo hoang vắng ngày xưa đã rợp bóng cây xanh. Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, quân và dân trên các đảo đã trồng được chuối, đu đủ… Không ai nghĩ những vườn đu đủ sum suê trái lại có thể phát triển tươi tốt ở vùng gió biển. Sắp tới, thanh long, ổi cũng sẽ được trồng trên đảo.

 

Học sinh trên đảo cũng đi học đều như các em học sinh trên đất liền.

Đến Trường Sa hôm nay, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi đời sống của quân và dân đều đã thay màu áo mới. Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như sân bay, âu tàu, hải đăng, đài khí tượng thủy văn, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện gió… hay các công trình như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tưởng niệm liệt sĩ, Nhà khách Thủ đô, chùa Trường Sa, chùa Song Tử… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân huyện đảo. Chị Trương Thị Liền (người dân xã đảo Song Tử Tây) vui vẻ nói: “Ngày đầu ra đảo, mình còn bỡ ngỡ, nhưng nay đã quen với cuộc sống ở đảo. Nhà cửa khang trang, có ti vi, dàn máy, điện thoại di động nên mình không còn cảm giác ở xa đất liền. Hàng ngày, tiếng trẻ học bài râm ran. Được chính quyền địa phương quan tâm tạo việc làm đánh bắt thủy hải sản, nên ai cũng tin tưởng gắn bó, xây dựng đảo vững mạnh”.

Hiện nay, bà con trên đảo chủ yếu làm nghề biển. Từ khi dự án âu tàu ở đảo Song Tử Tây đi vào hoạt động, nhiều ngư dân ở khu vực Nam Trung bộ đã có điểm dừng tránh bão và được tiếp tế nhiên liệu. Thành công của cụm dịch vụ kinh tế biển đã mở ra tương lai phát triển các âu tàu lớn hơn cho các xã đảo khác. Với lợi thế biển, UBND huyện Trường Sa đang từng bước nghiên cứu phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển du lịch… ở huyện đảo.

. Rạng ngời tương lai

Ông Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong chuyến thăm và làm việc với các đảo ở huyện Trường Sa đã nhấn mạnh: Thời gian tới, quân và dân huyện đảo cần tập trung thực hiện các mục tiêu quan trọng như: xây dựng và củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng gia sản xuất nhằm cải thiện đời sống của quân dân huyện đảo, đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình phúc lợi phục vụ đời sống quân dân, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đoàn thể quần chúng… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cán bộ và nhân dân tại cơ sở; đẩy mạnh chương trình đánh bắt xa bờ, thường xuyên giúp đỡ ngư dân trong tỉnh cũng như các địa phương khác đến đánh bắt hải sản tại vùng biển, đảo, thềm lục địa của huyện nhằm hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc”.

Với hệ thống điện - đường - trường - trạm hoàn chỉnh, tin rằng, trong tương lai không xa, mong ước của quân và dân huyện đảo được nối gần Trường Sa với đất liền bằng đường hàng không sẽ sớm thành hiện thực.

THÀNH LONG

(*) Trích trong bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa.