04:05, 28/05/2010

Mang những “bữa tiệc” nghệ thuật đến với khán giả nhí

18 năm hình thành và phát triển với không ít khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, nhưng với tinh thần “vì nụ cười của những thiên thần”, Trung tâm Múa rối Tuổi Ngọc thuộc Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để đứng vững.

18 năm hình thành và phát triển với không ít khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, nhưng với tinh thần “vì nụ cười của những thiên thần”, Trung tâm Múa rối (TTMR) Tuổi Ngọc thuộc Nhà Thiếu nhi (NTN) tỉnh Khánh Hòa luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để đứng vững. Hiện nay, Tuổi Ngọc là TTMR cạn duy nhất tồn tại trong hệ thống NTN các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những năm qua, TTMR Tuổi Ngọc đã mang biết bao “bữa tiệc” nghệ thuật với ý nghĩa giáo dục sâu sắc, sinh động đến với hàng triệu khán giả “nhí” trong và ngoài tỉnh…

. Đam mê và khổ luyện…

Vở diễn Aladin và cây đèn thần khiến khán giả “nhí” rất thích thú.
Đến hẹn lại lên, cứ gần đến ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) hay cuối năm học, anh Thái Quang Thành - Chủ nhiệm TTMR Tuổi Ngọc và các diễn viên, “nghệ sĩ” trong đội múa rối lại tất bật chuẩn bị kịch bản, trang phục, đạo cụ… cho những vở diễn mới, ngày đêm miệt mài tập luyện để phục vụ những khán giả “nhí” đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống. Có chứng kiến buổi tập vở diễn mới của đội vào một buổi chiều tháng 5 nóng bức, chúng tôi mới hiểu thêm về những vất vả, mệt nhọc và lòng say mê nghệ thuật của anh Thành và 26 thành viên trong đội. Ngồi ở hàng ghế đầu trong khán phòng của NTN tỉnh, mình ướt đẫm mồ hôi, nhưng anh Thành dường như không hề để ý đến mà chỉ tập trung cao độ để nhắc nhở các thành viên thể hiện thật tốt vai diễn của mình. Anh Thành cho biết: “Để tập hoàn chỉnh một vở diễn mới với thời lượng 60 phút, mỗi diễn viên phải mất khá nhiều thời gian để nhập vai, tự luyện ở nhà, sau đó đến TT “ráp” và tập thêm 1 tuần cho nhuần nhuyễn mới có thể biểu diễn cho khán giả. Công việc vất vả, nhưng với niềm đam mê, các em đều tập luyện tốt và diễn rất thành công”. Cuối buổi tập, cởi chiếc mặt nạ to đùng trùm kín cả đầu, mồ hôi nhễ nhại, em Nguyễn Thái Tường Nhi (14 tuổi, phường Phương Sài, Nha Trang) - thành viên nhỏ tuổi nhất của TTMR Tuổi Ngọc chia sẻ: “Em rất thích múa hát và mê những con rối nên xin ba mẹ cho tham gia đội múa rối từ năm học lớp 5. Việc tập luyện rất mệt, nhất là những vở mới, nhưng em luôn sắp xếp việc học để tập luyện và hoàn thành tốt vai diễn của mình”.

TTMR Tuổi Ngọc hiện có 26 thành viên từ lứa tuổi lớp 5 đến cao đẳng, đại học; trong đó có một số thành viên tham gia từ rất sớm, vì niềm đam mê môn nghệ thuật này mà đến khi trưởng thành vẫn tiếp tục gắn bó với TT. Chị Đỗ Thị Kim Dung (21 tuổi, phường Phước Long, Nha Trang) - một thành viên kỳ cựu của TT, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, tâm sự: “Tôi tham gia Đội Nghi thức, rồi Đội Kỹ năng của NTN từ năm lớp 6, nhưng vì niềm đam mê bộ môn nghệ thuật múa rối nên chuyển qua sinh hoạt trong TTMR Tuổi Ngọc từ năm lớp 11. Tôi rất vui mỗi khi được lên sân khấu hóa thân vào những nhân vật trong chuyện thần thoại, cổ tích… để diễn cho các em nhỏ xem. Điều tôi thấy có ý nghĩa hơn là các khán giả “nhí” biết phân biệt và bộc lộ cảm xúc trước cái tốt, cái xấu, điều thiện, điều ác… thông qua nhân vật trong các vở diễn”.

. “Bữa tiệc” nghệ thuật của khán giả “nhí”

Ngày 22-5 vừa qua, TTMR Tuổi Ngọc biểu diễn 4 suất phục vụ cho hơn 2.000 học sinh của các Trường Tiểu học: Phương Sài, Lộc Thọ. Khi tiết mục Aladin và cây đèn thần mở màn, các nhân vật trong những bộ trang phục sặc sỡ, đội những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh từ từ lộ rõ trên sân khấu sau khi những làn khói xanh, đỏ tan đi, cả khán phòng của NTN tỉnh như vỡ tung bởi tiếng vỗ tay, reo hò của 500 khán giả (trong một suất diễn) nhỏ tuổi. Rồi theo diễn biến câu chuyện, có lúc, các em trầm tư suy nghĩ, có lúc chợt đứng lên reo hò, rồi chạy đến gần sân khấu để đối thoại với nhân vật và tìm “đèn thần” cho Aladin. Với vở diễn Thạch Sanh và Lý Thông, đoạn Thạch Sanh quần đảo với “xà tinh”, cả khán phòng đồng loạt hô vang: “Cố lên Thạch Sanh! Thạch Sanh cố lên! Coi chừng, nó ở đằng sau!…”. Một số em ngồi hàng ghế đầu còn chạy lên sân khấu để… giúp Thạch Sanh đánh cho xà tinh một trận…

Những vở diễn múa rối trên sân khấu không chỉ có ý nghĩa giúp các khán giả “nhí” định hình những nhân vật, phân biệt cái tốt, cái xấu, cái thiện - cái ác… trong những chuyện cổ tích, thần thoại Việt Nam và thế giới một cách sinh động, chân thực nhất, mà qua đó, các em có thể biểu hiện cảm xúc, tình cảm của mình đối với mỗi nhân vật ngay tại sân khấu. Anh Thái Quang Thành cho biết: “Múa rối là một bộ môn nghệ thuật truyền thống không chỉ có ý nghĩa giải trí mà còn mang tính giáo dục sinh động và sâu sắc, đặc biệt đối với lứa tuổi của các em thiếu nhi. Vì thế, chúng tôi rất tự hào về truyền thống của TTMR Tuổi Ngọc. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí…, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực xây dựng TT ngày càng phát triển để không chỉ phục vụ cho các em thiếu nhi trong tỉnh, mà tương lai sẽ phát triển các vệ tinh để phục vụ các em ở các tỉnh trong khu vực. Qua đó góp phần bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, tình cảm, truyền thụ cái “nhân” cho tâm hồn thế hệ trẻ”.

NAM ANH