04:05, 25/05/2010

Cần có thêm nhiều dịch vụ tiện ích

Việc trả lương qua tài khoản (TK) bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2008 theo Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị này, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được kết quả rất khả quan.

Việc trả lương qua tài khoản (TK) bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2008 theo Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị này, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được kết quả rất khả quan. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người nhận lương, chính sách này còn tạo cú hích đối với sự phát triển của hệ thống tín dụng, ngân hàng (NH). Tuy có nhiều thuận lợi, song người nhận lương qua TK vẫn mong có thêm nhiều dịch vụ tiện ích.

Cán bộ, công chức chủ yếu mới chỉ sử dụng dịch vụ rút tiền từ thẻ ATM
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, tính đến cuối năm 2009, trên địa bàn tỉnh có 512 đơn vị thuộc đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đã thực hiện trả lương qua TK tại 12/22 chi nhánh NH thương mại (NHTM) với 23.788 thẻ ATM, chiếm 53%. Riêng tại Nha Trang (địa điểm bắt buộc thực hiện trong năm 2008 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính) có 304 đơn vị thuộc đối tượng hưởng lương từ NSNN đã thực hiện trả lương qua TK, đạt 100%. Tại các huyện, thị xã có 208 đơn vị, chiếm 40,86%. Ngoài các đối tượng hưởng lương từ NSNN, còn có 280 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc trả lương qua TK trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện của đơn vị trả lương và người lao động.

Việc trả lương qua TK được các NH rất quan tâm. Các chi nhánh NH không ngừng đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động thẻ. Từ chỗ chỉ có 17 máy ATM trong năm 2004, đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt được 170 máy ATM. Riêng tại TP. Nha Trang đã có 139 máy ATM, tăng 29 máy so với cuối năm 2008; bình quân 1 máy ATM phục vụ 7.500 người. Việc trang bị máy ATM của các NH trên địa bàn được đánh giá cao so với hầu hết các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc. Đây là một trong những thuận lợi lớn trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20. Tuy nhiên, hiện nay, lượng máy ATM tập trung ở TP. Nha Trang là chủ yếu. Tại các huyện, thị xã, lượng máy ATM được lắp đặt tại các huyện là 31 máy (chiếm khoảng 18%) và cũng chỉ tập trung ở các địa phương có kinh tế phát triển như: Cam Ranh, Ninh Hòa.

Việc trả lương qua TK đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho khách hàng sử dụng dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ mà còn cho cả xã hội. Đồng thời thúc đẩy các tổ chức cung ứng dịch vụ đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường thẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và tiện ích thanh toán đi kèm thẻ. Qua đó, người dân đã từng bước tiếp cận với công nghệ thanh toán hiện đại và làm quen với một số tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đó là lợi ích lâu dài, khi công nghệ NH đã đạt đến trình độ nhất định.

Một trong những mục tiêu lớn của việc trả lương qua TK là hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt. Song, mục tiêu này đến nay vẫn còn rất hạn chế, bởi hầu như những người nhận lương qua TK chỉ sử dụng một chức năng của thẻ là rút tiền mặt. Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa: Hiện nay, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong lưu thông chưa giảm rõ nét, do thu nhập của các đối tượng hưởng lương từ NSNN thấp cùng với thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư vẫn tồn tại nên khi vừa có lương trên TK đã thực hiện rút tiền mặt ngay từ máy ATM. Số dư duy trì trên TK thẻ thường rất thấp nên các NHTM không thể khai thác nguồn tiền gửi không kỳ hạn này để bù đắp chi phí cho việc lắp đặt, quản lý và vận hành mạng lưới ATM. Kinh phí tái đầu tư và nâng cấp hệ thống không có đã làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng phục vụ của các NH.

Ngược lại, nhiều cán bộ, công chức, người dân cho rằng, họ không muốn để tiền nhiều trong TK thẻ vì hầu như không sinh lợi gì. Nguyên nhân chính của vấn đề là do chất lượng, tiện ích của thẻ ATM chưa được triển khai mạnh. Các dịch vụ thanh toán trực tuyến mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ hẹp, chưa triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán nhỏ lẻ của khách hàng. Hiện nay, hầu hết các NH đang trong thời gian hoàn thiện và nâng cấp hệ thống máy ATM nên chất lượng phục vụ chưa được ổn định. Một số máy mới chỉ cho phép sử dụng những chức năng như: Rút tiền, vấn tin, in sao kê…, còn giao dịch chuyển khoản và các tiện ích khác chưa thực hiện được làm cho tính tiện dụng của thẻ ATM bị hạn chế. Địa điểm đặt máy ATM chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố với mật độ khá dày, trong khi ở ven thành phố, các huyện còn thưa thớt. Bên cạnh đó, các nhà cung ứng dịch vụ như: Điện, điện thoại, nước, viễn thông… vẫn chưa thực sự tích cực trong việc thu hộ tiền cung ứng dịch vụ thông qua TK của khách hàng.

Thực hiện Chỉ thị 20/2007/CT-TTg giai đoạn 2, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tuyên truyền các đơn vị cung ứng dịch vụ sinh hoạt phối hợp với các NHTM để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trả tiền dịch vụ qua thẻ và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của mạng lưới ATM trên địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ trên địa bàn, khắc phục các hạn chế, xử lý kịp thời các sự cố phát sinh. Các chi nhánh NHTM tiếp tục bám sát lộ trình trả lương qua TK của Chỉ thị 20, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng lắp đặt máy ATM. Trên cơ sở mở rộng mạng lưới ATM trên địa bàn, năm 2010, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa phấn đấu đưa thêm 115 đơn vị hưởng lương từ NSNN thực hiện trả lương qua TK; đến cuối năm đạt khoảng 65% tổng số đơn vị hưởng lương từ NSNN thực hiện trả lương qua TK.

BÍCH KHUÊ