03:05, 05/05/2010

Tình trạng “loạn” số nhà sẽ sớm được khắc phục

Quy chế mới về đánh số nhà đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2006. Quy chế này, về thực chất, được phát huy trên quy tắc đánh số nhà đã có từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP. Nha Trang, tình trạng nhà không số hoặc đánh số lộn xộn không theo quy tắc vẫn còn phổ biến. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân…

Quy chế mới về đánh số nhà đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2006. Quy chế này, về thực chất, được phát huy trên quy tắc đánh số nhà đã có từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP. Nha Trang, tình trạng nhà không số hoặc đánh số lộn xộn không theo quy tắc vẫn còn phổ biến. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân…

Tiêu biểu nhất cho tình trạng số nhà lộn xộn là đường 2-4, một con đường lớn của TP. Nha Trang. Không chỉ lộn xộn, số nhà trên con đường này còn trùng lắp nhau, khiến người dân gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Từ cầu Hà Ra trở ra phía Bắc, số nhà được đánh tùy tiện, không theo quy tắc nào. Bên cạnh nhà số 105 lại là nhà số 24; một bên đường thì được đánh số theo thứ tự kế tiếp nhau, chẵn lẻ đều cùng một dãy, tăng giảm không theo trật tự nào. Tất cả cứ như một “ma trận”, khiến ai từ xa đến muốn tìm nhà cũng phải mướt mồ hôi. Một người dân ở đây cho biết: “Tình trạng này xảy ra đã hơn chục năm. Lần tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng phản ánh lên cấp trên nhưng vẫn không thấy giải quyết. Số nhà trùng lắp khiến giấy báo tuyển sinh của con tôi bị gửi nhầm sang nhà khác, làm cháu gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có nhà đi đăng ký bắc đường ống nước, làm thủ tục và nộp tiền xong nhưng chờ mãi vẫn không thấy đến thi công. Đến Công ty Cấp thoát nước hỏi mới vỡ lẽ, họ bắc nhầm sang một nhà khác cùng số nhà…”.

Đây chỉ là một vài dẫn chứng cho sự phức tạp của số nhà lộn xộn. Không riêng đường 2-4, nhiều đường khác trên địa bàn TP. Nha Trang như: đường 23-10, Lê Hồng Phong, Hương lộ 45…; nhiều con hẻm ở các phường Ngọc Hiệp, Phương Sơn, Vĩnh Phước… tình trạng nhà không số hoặc số nhà lộn xộn cũng rất phổ biến. Được biết trước đây, khi cấp sổ đỏ, cơ quan chức năng cấp thêm số nhà kèm theo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng hầu như không cấp số nhà nên người dân cứ tự đánh số. Trong khi đó, bản chất của hệ thống số nhà hiện nay là dựa vào số lượng căn nhà, mà số lượng nhà lại biến động liên tục nên không thể tránh khỏi những khó khăn trong việc chỉnh sửa.

Tình trạng số nhà lộn xộn là điểm chung của nhiều địa phương trên cả nước trong quá trình đô thị hóa. Trong quá trình phát triển, đô thị ngày càng phình to, hệ thống giao thông ngày càng dày đặc với nhiều đường được xây dựng mới, mở rộng thêm hay bị chia cắt thành từng đoạn… Điều này tất yếu tạo nên sự bất cập trong hệ thống số nhà. Chính vì vậy, năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà, áp dụng tại khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn trong cả nước. Theo Quy chế này, số nhà đồng nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức hộ gia đình, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch thương mại, giao dịch dân sự và các giao dịch khác. Bộ Xây dựng cũng hy vọng Quy chế này sẽ góp phần chỉnh trang đô thị và điểm dân cư nông thôn, quản lý nhà đất, thông tin lienc lạc, quản lý dân cư theo quy định của pháp luật. Quy chế này quy định rất rõ ràng về nguyên tắc đánh số nhà cũng như cấu tạo các loại biển số.   

Tuy nhiên, đặt lại số nhà là một việc rất khó khăn và phức tạp. Đó là chưa kể đến việc số nhà thay đổi sẽ kéo theo hàng loạt xáo trộn trong cuộc sống của người dân và tốn một khoản chi phí không nhỏ mà người dân và cơ quan Nhà nước phải bỏ ra để thay đổi địa chỉ trong các giấy tờ mang tính pháp lý như: nhà đất, hộ khẩu, chứng minh nhân dân… UBND TP. Nha Trang đã giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường triển khai dự án sắp xếp lại số nhà trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Phòng Tài nguyên - Môi trường đang thuê tư vấn thực hiện để sớm triển khai việc đánh lại số nhà một cách hợp lý nhất.

BÍCH KHUÊ