04:05, 07/05/2010

Nhiều giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông

Từ đầu năm đến nay, tuy lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang đã có nhiều cố gắng trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông nhưng tình hình vi phạm pháp luật về giao thông vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, tuy lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên địa bàn TP. Nha Trang đã có nhiều cố gắng trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhưng tình hình vi phạm pháp luật về GT vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ 1-12-2009 đến hết tháng 3-2010, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ nghiêm trọng, làm 18 người chết và 4.516 trường hợp vi phạm ATGT.

Cảnh sát giao thông đang giải quyết một vụ tai nạn trên đường
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện đang quản lý hơn 22.000 phương tiện ô tô các loại và 490.000 xe mô tô; trong đó TP. Nha Trang quản lý 16.000 ô tô (chiếm hơn 60%) và 200.000 xe mô tô (chiếm gần 50%). Ngoài phương tiện GT tăng nhanh, những tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội; vì vậy, lượng phương tiện từ nơi khác đến Nha Trang rất nhiều nên tình hình TTATGT càng phức tạp hơn. Từ 1-12-2009 đến hết tháng 3-2010, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 15 vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng, làm 18 người chết, và 4.516 trường hợp vi phạm ATGT. Qua thống kê, một số lỗi vi phạm có dấu hiệu trở lại, nhất là lỗi không đội mũ bảo hiểm (MBH). Đến nay, lực lượng CSGT đã xử lý gần 600 trường hợp vi phạm không đội MBH.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà trước kia ít xảy ra, đó là vụ TNGT trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Vĩnh Phương, người điều khiển xe mô tô chở 4 người, không đội MBH đã đâm vào sau ô tô làm 3 người chết, 1 người bị thương. Ngoài ra, có 1 vụ TNGT taxi nghiêm trọng làm 2 người Hàn Quốc chết tại Cầu Đá, Vĩnh Nguyên. Đây là vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài đầu tiên xảy ra trên địa bàn TP. Nha Trang. Được biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 12 doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách với hơn 600 xe taxi. Do đó, việc các hãng taxi cạnh tranh với nhau, thậm chí ngay cả trong cùng một hãng, các tài xế taxi cũng cạnh tranh nhau làm cho TTATGT càng trở nên phức tạp hơn. Từ đầu năm đến nay, riêng xe taxi đã có 188 trường hợp vi phạm ATGT. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ, vượt bên phải và dừng đỗ không đúng nơi quy định.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT chủ yếu là chạy quá tốc độ. Lực lượng CSGT tuy biết người tham gia GT vi phạm chạy quá tốc độ nhưng rất khó khăn trong việc xử phạt. Muốn xử phạt được lỗi này, CSGT phải có máy đo tốc độ ghi hình; nhưng hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang mới chỉ được trang bị 1 máy, hoạt động hết công suất cũng chỉ kiểm tra được khoảng 300 xe/ngày nên tính khả thi không cao. Khó khăn nữa trong việc xử phạt vi phạm GT là kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Hiện nay, Đội được trang bị 2 máy nhưng ống thổi không nhiều. Mỗi máy tối đa 100 ống thổi, trong khi 1 ống thổi chỉ dùng được cho 1 người. “Hiện nay, qua việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu cho thấy có người chấp hành rất tốt nhưng cũng có nhiều trường hợp phản ứng rất quyết liệt. Họ chấp nhận nộp phạt chứ nhất định không thổi ống, vì sợ mắc các loại bệnh như: Lao, H1N1, H5N1… Chuyện phạt người tỉnh đã khó, phạt người say rượu bia càng khó hơn; trong khi các vụ TNGT nguyên nhân chính vẫn là chạy quá tốc độ” - ông Dũng chia sẻ.

Trước tình hình TNGT diễn biến phức tạp, Đội CSGT Công an TP. Nha Trang đã đề ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế TNGT. Cụ thể, Đội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng nội dung tuyên truyền cho từng đối tượng tham gia GT. Đối với các DN kinh doanh vận tải, Đội tổ chức gặp mặt, yêu cầu các DN phải ký cam kết thực hiện việc chấp hành Luật GT. Ngoài ra, Đội tổ chức tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền theo từng chuyên đề cụ thể như: chuyên đề về tốc độ; đội MBH; xử lý vi phạm không chấp hành tín hiệu đèn GT; xử lý các vi phạm đối với xe taxi và có thống kê cụ thể từng hãng vi phạm…

Ngoài ra, Đội còn thực hiện mô hình tăng cường CSGT xuống các xã, phường phối hợp với Công an địa phương giải quyết TTATGT. Mỗi CSGT sẽ phụ trách theo dõi một xã, phường và thực hiện theo các bước. Bước 1: Người phụ trách có nhiệm vụ yêu cầu Công an địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch tổng thể về GT của địa phương chuyển về Đội CSGT thành phố xem xét, góp ý bổ sung nhằm hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện. Bước 2: Điều tra cơ bản theo từng cụm dân cư, tuyến đường, thống kê cụ thể người vi phạm ATGT. Bước 3: Địa phương phô-tô bản cam kết phát cho người dân cam kết thực hiện. Bước 4: Phối hợp với địa phương xử lý các vụ vi phạm. Trong quá trình xử lý, có gì vướng mắc, lực lượng CSGT thành phố sẽ đến trực tiếp hỗ trợ giải quyết. Bước 5: Thực hiện việc thống kê, sơ kết tổng kết, có đánh giá thi đua đối với CSGT theo dõi và địa phương.

Ông Dũng cho biết: “Hiện nay, Đội đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp kiềm chế TNGT nhưng cũng gặp không ít khó khăn, vì ý thức của người tham gia GT chưa cao. Trong các vụ vi phạm GT, một bộ phận không nhỏ là cán bộ, công chức. Theo Thông tư 22 của Bộ GT vận tải, CSGT phải thông báo lỗi của các trường hợp vi phạm GT về địa phương. Sau đó, địa phương phản hồi lại vấn đề xử lý vi phạm cho CSGT, nhưng hiện nay, chưa địa phương nào thực hiện việc này. Trung bình mỗi năm, Đội CSGT thành phố gửi khoảng 10.000 thông báo các trường hợp vi phạm nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi từ phía chính quyền địa phương. Thời gian tới, nhằm kiềm chế TNGT đến mức thấp nhất, chúng tôi tiếp tục tập trung tuyên truyền cho các đối tượng như: tài xế xe taxi, xe du lịch lữ hành; tổ chức họp mặt các DN liên quan đến dịch vụ vận tải hành khách, cho ký lại bản cam kết. Song song với đó, Đội còn đẩy mạnh thực hiện mô hình tuyên truyền GT bằng hình ảnh trực quan sinh động tại các chốt đèn tín hiệu GT. Trên các chốt đèn sẽ ghi mức phạt các lỗi để người tham gia GT tự điều chỉnh hành vi của mình”.

CẨM VÂN