Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, bên cạnh sự gia tăng đột biến của bệnh sốt xuất huyết trên các địa bàn trong tỉnh Khánh Hòa, mà trọng điểm là huyện Ninh Hòa với 459 ca (tính đến ngày 9-5), tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, một số bệnh truyền nhiễm khác như dại, thủy đậu cũng có xu hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, bên cạnh sự gia tăng đột biến của bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên các địa bàn trong tỉnh Khánh Hòa, mà trọng điểm là huyện Ninh Hòa với 459 ca (tính đến ngày 9-5), tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, một số bệnh truyền nhiễm khác như dại, thủy đậu cũng có xu hướng gia tăng.
Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả phòng, chống bệnh dại, thủy đậu |
Bác sĩ Lê Tấn Phùng cũng cung cấp một số kiến thức giúp người dân phòng, chống bệnh SXH, dại, thủy đậu một cách hiệu quả. Theo đó, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. SXH thường xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, bệnh chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa. Biểu hiện của bệnh: sốt cao 39 - 40 độ đột ngột, liên tục trong 3 - 4 ngày, xuất huyết (dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, đi cầu ra máu), đau bụng. Hiện tượng sốc có thể xảy ra từ ngày thứ 3 - 6 của bệnh với biểu hiện: mệt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, ói hoặc đi cầu ra máu. Khi có triệu chứng của SXH, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Cách phòng bệnh SXH hiệu quả nhất hiện nay vẫn là tránh để muỗi đốt, diệt nơi sinh sản của muỗi.
Đối với bệnh dại, theo bác sĩ Phùng, đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra do siêu vi trùng, thường gặp ở động vật có máu nóng. Bệnh rất nguy hiểm vì khi phát bệnh hầu như bệnh nhân tử vong 100%. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 20 - 60 ngày, thời gian này sẽ ngắn hơn nếu vết cắn ở mặt. Thời kỳ khởi phát, người bệnh sẽ có các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, đau cổ, sốt…; ngứa, đau tại vết cắn hầu như đã lành; bị cảm, hồi hộp, lo lắng, dễ kích thích, mất ngủ, bứt rứt, trầm cảm…; đôi khi buồn nôn, đau bụng, tiểu khó… Thời kỳ toàn phát có 2 thể: hung dữ và bại liệt. Ở thể hung dữ, bệnh nhân sợ nước, gió, ánh sáng, có biểu hiện ảo giác, mất định hướng, trốn chạy hoặc gây hấn với người khác, vùng vẫy, cấu xé, rú lên như chó sủa, thở dồn hơn và có thể tử vong. Ở thể bại liệt (chiếm 20%), thường gặp trên bệnh nhân đã được chích ngừa vắc xin sau khi bị súc vật dại cắn. Lúc đầu có thể đau cột sống, đau chi nơi bị cắn, liệt tiến triển lan tỏa lên chi trên, mất phản xạ gân xương, bí tiểu; sau đó liệt cơ cổ, mắt, lưỡi gây sặc, liệt các cơ khớp, tử vong chậm hơn thể hung dữ, có thể kéo dài từ 2 - 20 ngày. Để phòng tránh bệnh dại, biện pháp tốt nhất là không để súc vật nghi dại cắn. Trường hợp không may bị súc vật nghi dại cắn, cần rửa ngay vết thương bằng xà bông và xịt vòi nước vào vết cắn ít nhất 5 phút, sát trùng vết thương bằng cồn hoặc I-ốt để diệt các siêu vi trùng (nếu có) ở vết thương, sử dụng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn, đến ngay các điểm tiêm phòng dại để được bác sĩ khám và chỉ định cụ thể.
Đối với bệnh thủy đậu, đây là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây và thường có các triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, khắp người nổi mụn. Khi đã mắc bệnh thủy đậu, người bệnh cần được cách ly ít nhất 5 - 7 ngày bởi dịch thường xảy ra trong nhóm thân cận gia đình, trường học. Hiện bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng ngừa nên rất thuận lợi trong việc phòng tránh lâu dài. Theo bác sĩ Lê Tấn Phùng, tuy không có vẻ nguy kịch như một số bệnh khác, nhưng khi có biến chứng, thủy đậu sẽ trở thành bệnh nguy hiểm bởi nó để lại những vết sẹo xấu hoặc gây ra bệnh ở cơ quan khác như viêm thận, viêm gan, viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết… Vì thế, khi có triệu chứng của bệnh thủy đậu, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không nên tự ý dùng thuốc hoặc nghe lời mách bảo của một số người không hiểu biết mà tự ý đắp lá hoặc rắc các loại thuốc bột bán trôi nổi ở các chợ, vỉa hè, bởi thực tế đã có trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu được gia đình cho uống thuốc “đề xa” (một loại corticoid) khiến bệnh nặng lên rất nhanh.
NGỌC KHÁNH