Song hành với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc giao dịch, mua sắm qua mạng điện tử (tức thương mại điện tử) được coi là xu thế tất yếu của thương mại hiện đại.
Song hành với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc giao dịch, mua sắm qua mạng điện tử (tức thương mại điện tử - TMĐT) được coi là xu thế tất yếu của thương mại hiện đại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp (DN) tại Khánh Hòa còn rất khiêm tốn.
. Xu thế của thương mại hiện đại
Mua bán qua mạng tiện lợi và giảm thiểu các chi phí so với loại hình giao dịch truyền thống. |
Ông Trần Quốc Bảo - Giám đốc Công ty E-com, Nha Trang (chuyên phân phối hàng hóa dưới dạng siêu thị trực tuyến qua kênh www.phanphoidientu.com) cho biết: So với mô hình phân phối truyền thống, cách thiết kế mô hình phân phối điện tử mà Công ty đang áp dụng có nhiều ưu điểm rõ rệt: Hàng hóa đến đại lý nhanh chóng, tiện lợi và phong phú, từ hàng tiêu dùng, văn phòng phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm các loại, may mặc thời trang, dịch vụ du lịch…; đại lý có thể đặt hàng online 24/24 giờ, giảm được chi phí chuẩn bị; giảm áp lực cho nhà cung cấp trong thời gian cao điểm; thiết lập được một kênh phân phối mới, hiệu quả, giảm chi phí nhân viên thị trường… Tại Công ty E-com, trình tự tiến hành kinh doanh bắt đầu bằng việc khảo sát và xây dựng thị trường, tổ chức tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Tiếp đó, lựa chọn đại lý phù hợp, cung cấp và hướng dẫn đại lý đặt hàng trực tuyến qua website. Nhà cung cấp sẽ cập nhật sản phẩm, giá bán lên trang web và theo dõi đơn hàng (có phần mềm hỗ trợ của E-com), nhận tiền và tổ chức giao hàng cho đại lý. Công ty có đội ngũ cộng tác viên vừa tiếp thị và bán hàng trực tuyến, vừa tiếp cận, thuyết phục và hướng dẫn khách hàng lập trang web con (tức gian hàng điện tử) thông qua website của Công ty.
. Còn nhiều bất cập
Tuy có nhiều lợi thế vượt trội so với thương mại truyền thống, nhưng trên thực tế, TMĐT là lĩnh vực còn rất mới đối với nhiều DN trong tỉnh. Website của hầu hết các DN chỉ đơn thuần là mô hình giới thiệu một số mặt hàng, chậm cập nhật thông tin, thậm chí có thông tin cách đây… vài năm vẫn ở trong mục “Tin thời sự”. Các sản phẩm trên mạng điện tử của hầu hết các DN chỉ nhằm mục đích trưng bày, thay vì tận dụng được các hình thức trao đổi, giao dịch qua e-mail, giới thiệu và đăng ký thông tin hàng hóa trên mạng Internet. Đó là chưa kể đến việc mua bán trực tuyến ít được nghĩ đến, do gặp một số bất cập về chuẩn giao dịch và thanh toán. Theo khảo sát của Hội Tin học tỉnh, số DN có website của Khánh Hòa so với các tỉnh khác chiếm chưa đến 1%, còn hoạt động mua bán trên mạng thì khiêm tốn hơn nhiều, phần lớn là DN kinh doanh dịch vụ du lịch. Một số DN hiện nay nhận thức được TMĐT là kênh quan trọng, kênh tốt, nhưng họ chưa xác định đó là kênh chính, kênh thiết yếu để đầu tư về mặt nhân lực và tiền bạc nhằm phục vụ cho việc mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường TMĐT tại Khánh Hòa chưa phát triển. Tại hội thảo liên quan đến TMĐT của Khánh Hòa do Hội Tin học tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu đã chỉ ra một số nguyên nhân chính: Trước hết, do tập quán mua sắm, buôn bán của người Việt Nam là “mục sở thị” hàng hóa, “tiền trao, cháo múc” trong khi mô hình mua sắm trên mạng còn khá mới lạ, người dân chưa thực sự an tâm. Mặt khác, tâm lý ngại thay đổi, ngại đầu tư, lo lắng không kiểm soát nổi rủi ro trên mạng đã khiến không ít DN đứng ngoài vòng quay sôi động của TMĐT. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các DN, một trong những khó khăn của họ khi ứng dụng TMĐT là luật pháp Việt Nam chưa thật sự bảo vệ được họ trước nạn hacker. Một DN hàng thủ công mỹ nghệ cho biết, sẽ khó có thể đảm bảo bản quyền và mẫu mã hàng hóa nếu đăng thông tin và hình ảnh trên website.
. Doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa
TMĐT đã và đang trở thành một xu thế tất yếu trong thương mại hiện đại. Các cấp, các ngành liên quan cũng đã có những biện pháp hỗ trợ cho DN trong việc thúc đẩy TMĐT phát triển. Thời gian gần đây, Sở Công thương đã tổ chức một số lớp ứng dụng TMĐT kết nối toàn cầu cho nhiều DN, nhằm hỗ trợ các DN làm quen, khai thác và vận dụng, xử lý hiệu quả tối đa từ TMĐT và công nghệ thông tin. Điển hình như: Cổng thông tin xuất nhập khẩu www.vnex.com.vn ra mắt cuối năm 2009 đã góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu với các đối tác nước ngoài (vốn quen với việc ngồi trên mạng tìm kiếm thông tin trước khi tiến hành các bước giao dịch tiếp theo). Cuối tháng 4-2010, tại TP. Nha Trang, Hội Tin học tỉnh ra mắt cổng thông tin TMĐT www.khanhhoa-ecom. Dự kiến cuối tháng 5, Hội chợ TMĐT lần đầu tiên của tỉnh sẽ được tổ chức. Hy vọng, đây sẽ là tín hiệu đáng mừng giúp các DN có thể tiếp cận được nguồn thông tin phong phú, tìm kiếm, thiết lập, củng cố quan hệ với đối tác; giảm thiểu chi phí sản xuất, giao dịch, tiếp thị; tìm kiếm cơ hội từ các thị trường mới, góp phần thúc đẩy DN trong tỉnh tham gia hình thức quảng bá trên mạng, xây dựng trang web riêng và tiến tới kinh doanh trên mạng. Điều quan trọng nhất, bản thân các DN trong tỉnh (chiếm phần lớn là DN vừa và nhỏ) cần nhận thức rõ ràng, đầy đủ về lợi ích của TMĐT để tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển các website bán hàng trực tuyến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với xu thế của nền thương mại hiện đại.
S.D