03:05, 24/05/2010

“Tiếng kẻng dân phòng”: Mô hình cần nhân rộng

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn, xóm, các hộ gia đình ở thôn Lam Sơn, xã Ninh Sim, Ninh Hòa (Khánh Hòa) được Ban Chỉ huy Quân sự và Công an xã phổ biến mô hình “Tiếng kẻng dân phòng”. 5 năm qua, tiếng kẻng dân phòng đã gắn bó với đời sống sinh hoạt và mang lại sự bình yên cho người dân thôn Lam Sơn.

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn thôn, xóm, các hộ gia đình ở thôn Lam Sơn, xã Ninh Sim, Ninh Hòa (Khánh Hòa) được Ban Chỉ huy Quân sự và Công an xã phổ biến mô hình “Tiếng kẻng dân phòng”. 5 năm qua, tiếng kẻng dân phòng đã gắn bó với đời sống sinh hoạt và mang lại sự bình yên cho người dân thôn Lam Sơn.

Thôn Lam Sơn, xã Ninh Sim, huyện Ninh Hòa có 529 hộ dân với 2.375 nhân khẩu (13 tổ, chia thành 4 cụm dân cư). Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán nhỏ. Trước đây, thôn Lam Sơn được xem là điểm nóng về tình hình ANTT, thường xuyên xảy ra trộm cắp vặt, gây rối trật tự công cộng. Chính vì vậy, thôn Lam Sơn được Ban Chỉ huy Quân sự và Công an xã chọn làm điểm mô hình “Tiếng kẻng dân phòng”. Đây là một trong những mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) hoạt động có hiệu quả trong công tác giữ gìn ANTT tại địa phương. Mô hình được triển khai từ năm 2006, theo hai hình thức báo động như: Báo động có thông báo trước và báo động không thông báo trước.  

5 năm qua, thôn Lam Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch; trong đó, mỗi tháng, thôn tổ chức báo động dân phòng từ 1 - 2 lần. Mỗi lần báo động trong địa bàn của 1 đến 2 tổ dân cư hoặc cả cụm dân cư. Việc triển khai báo động thường được cán bộ thôn tổ chức vào ban đêm. Sau khi nghe tiếng kẻng làm hiệu lệnh của thôn, các hộ gia đình trong tổ dân cư hưởng ứng bằng cách đánh kẻng báo động liên hoàn, bật sáng đèn, mở cửa, chuẩn bị sẵn gậy dài từ 1,5 - 2m. Mỗi gia đình cử đại diện 1 hoặc 2 người ra điểm tập trung theo quy định để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, việc báo động vây bắt tội phạm cũng được người đánh kẻng đánh một hồi dài. Ngay lập tức, nhân dân có mặt tại hiện trường và chặn các ngã đường đã được hoạch định để vây bắt tội phạm. 

Ông Nguyễn Ngỡ - Phó Trưởng thôn Lam Sơn cho biết: “Trước đây, tình hình trộm cắp, gây mất ANTT trên địa bàn thôn Lam Sơn diễn ra rất phức tạp, nhiều băng nhóm côn đồ, trộm cắp thường xuyên lộng hành, nhất là nạn trộm cắp vặt. Nhưng từ khi mô hình “Tiếng kẻng dân phòng” được thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, tình trạng trộm cắp, gây rối đã giảm đáng kể (giảm hơn 85% so với trước đây). Người dân có ý thức hơn trong việc tố giác tội phạm, tinh thần đoàn kết và ý thức tấn công tội phạm, đặc biệt tinh thần cảnh giác trong nhân dân được nâng lên”.

Ông Ngỡ kể lại, ngày đầu mới thực hiện mô hình “Tiếng kẻng dân phòng”, bà con trong thôn không mấy hưởng ứng. Mỗi lần báo động, người quên gậy, người không mang đèn pin… Do đó, cán bộ thôn phải tới từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đến nay, khi tiếng kẻng báo động liên hoàn vang lên, không gian yên lặng của thôn xóm như bừng tỉnh, từng hộ gia đình tự nguyện bật đèn sáng, mở cửa, mọi người nhanh chóng có mặt tại điểm quy định với đầy đủ đèn pin, gậy trên tay. Chị Võ Thị Thế - một người dân thôn Lam Sơn tâm sự: “Từ khi có tiếng kẻng dân phòng, tình hình ANTT trên địa bàn đã tốt hơn, nạn trộm cắp vặt không còn lộng hành như trước. Giờ đây, đi tới nhà nào cũng thấy trang bị một chiếc gậy, đèn pin và chiếc kẻng để sẵn sàng. Nói là kẻng nhưng thực chất là đồ vật có thể đánh phát ra tiếng. Khi phát hiện có kẻ trộm, tiếng kẻng được đánh liên hồi, ngay lập tức cả thôn bật sáng đèn điện và chạy tới điểm có kẻng vây bắt tội phạm. Giờ đây, chúng tôi đã quen, nên chỉ cần nghe tiếng kẻng của thôn là cầm gậy, đèn pin chạy tới điểm quy định chứ không cần đánh kẻng báo động liên hoàn lại”.

Nhờ thế, 5 năm qua, nhiều vụ trộm cắp chó, gà, xe máy… được nhân dân phát hiện và tham gia vây bắt, giao nộp công an xử lý. Qua đó đã xuất hiện nhiều gương tập thể và cá nhân điển hình trong việc vây bắt tội phạm, giữ gìn ANTT thôn xóm. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, thôn Lam Sơn đã có 3 cá nhân được xã khen thưởng đột xuất vì có thành tích trong phong trào toàn dân BVANTQ. Tỷ lệ tổ dân cư đạt tiêu chí tổ dân cư an toàn của thôn ngày càng tăng. Đến cuối năm 2009, toàn thôn có 8/13 tổ và 1 cụm dân cư đạt tiêu chí an toàn. Cán bộ và nhân dân thôn Lam Sơn đã đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của xã Ninh Sim. 3 năm liền, xã được Bộ Công an tặng cờ phong trào toàn dân BVANTQ và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Mô hình “Tiếng kẻng dân phòng” đang ngày càng phát triển sâu rộng, được nhân dân xã Ninh Sim tích cực tham gia hưởng ứng. Từ mô hình “Tiếng kẻng dân phòng” của thôn Lam Sơn, đến nay, mô hình này đã áp dụng trên địa bàn toàn xã.

K.H