08:05, 08/05/2010

Nhọc nhằn nghề thợ hồ

Trong hàng trăm nghề mưu sinh, có thể nói, thợ hồ là nghề khá cực nhọc. Đa số người làm nghề này thường học hành không đến nơi đến chốn, nhưng có sức khỏe và chịu khó. Làm nghề này, họ phải quần quật từ sáng đến chiều, dầm mưa dãi nắng, nhưng thu nhập cũng chỉ 50 - 60 ngàn đồng/người/ngày. Dù vậy, không phải lúc nào họ cũng có việc làm đều đặn…

Trong hàng trăm nghề mưu sinh, có thể nói, thợ hồ là nghề khá cực nhọc. Đa số người làm nghề này thường học hành không đến nơi đến chốn, nhưng có sức khỏe và chịu khó. Làm nghề này, họ phải quần quật từ sáng đến chiều, dầm mưa dãi nắng, nhưng thu nhập cũng chỉ 50 - 60 ngàn đồng/người/ngày. Dù vậy, không phải lúc nào họ cũng có việc làm đều đặn…

 Nhiều phụ nữ cũng tìm đến nghề phụ hồ để mưu sinh.
Dưới cái nắng của những ngày cuối tháng 4, dọc theo các tuyến đường, khu dân cư, các công trình xây dựng dân sinh…, chúng tôi bắt gặp những người thợ hồ đang miệt mài làm việc. Làm quen với em Lê Văn Hùng (16 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An), đang phụ hồ trên đường Lê Hồng Phong (TP. Nha Trang), được biết, Hùng sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em nên phải bỏ học từ năm lớp 6 để vào Nha Trang mưu sinh (năm 2008) và phụ giúp bố mẹ nuôi mấy em ăn học… Hàng ngày, đúng 7 giờ, Hùng đến nơi làm việc. Hùng làm bất cứ việc gì được chủ giao. Lúc trộn hồ xúc cát, lúc khiêng vữa, khuân gạch, lúc đào móng, quét vôi… Làm việc quần quật cả ngày, nhưng tiền công của Hùng cũng chỉ khoảng 60 ngàn đồng/ngày. Hôm nào làm thêm vào ban đêm thì Hùng có thêm vài chục ngàn đồng. Với số tiền công như vậy, hàng tháng Hùng thu nhập khoảng 2 - 2,5 triệu đồng (cộng cả tiền làm thêm vào ban đêm), nhưng trừ các chi phí như: tiền thuê nhà trọ (ở 3 người/phòng, mỗi người 200.000 đồng/tháng), ăn uống, điện, nước, sinh hoạt… tích cóp lắm, Hùng cũng chỉ dư ra được 7 - 8 trăm ngàn đồng/tháng. Hùng than: “Tháng này, chủ nhà trọ lại thông báo tăng tiền điện, tiền nước mà tiền công của em chẳng thấy tăng gì cả…”. Hùng cho biết dự tính của mình: “Có lẽ, em cũng chỉ làm thợ hồ 1 - 2 năm nữa để có thêm tiền đi học nghề gò hàn rồi về quê mở quán, chứ làm nghề thợ hồ tương lai mù mịt lắm…”.

Nghề phụ hồ nặng nhọc là vậy, nhưng vẫn có nhiều phụ nữ do không kiếm được việc làm phù hợp nên vẫn phải chọn nghề này để mưu sinh. Chị Lê Thị Tuyết (33 tuổi, ở Phú Yên) vừa xúc vữa đem đến cho các thợ xây, vừa cho biết: “Trước kia tôi làm thợ may trong TP. Hồ Chí Minh, nhưng do tiền lương không đảm bảo cuộc sống nên đành về quê làm ruộng rồi lập gia đình. Mùa vụ xong, tôi lại vào đây xin làm phụ hồ kiếm thêm để trang trải cho cuộc sống”. Anh Trương Ngọc Lâm, chủ thầu các công trình xây dựng nhà dân sinh, cho biết: “Nghề thợ hồ chỉ hợp với đàn ông, nhưng cũng vì miếng cơm manh áo nên nhiều phụ nữ cũng tìm đến nghề này (chủ yếu làm phụ hồ). Tuy thu nhập không cao như một số nghề khác nhưng phần nào cũng tạo ra việc làm và góp phần trang trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình họ…”.

Cùng làm chung với Hùng còn có anh Lê Ngọc Tuấn (quê ở Bố Trạch, Quảng Bình) do có sức khỏe và đã hơn 7 năm làm nghề nên anh được chủ thầu tin tưởng giao cho làm thợ cả kiêm đốc công. Do vậy, công việc của anh cũng đỡ nặng nhọc hơn phụ hồ mà mức tiền công cũng kha khá. Công việc chính của anh là xây và trát tường nên thường xuyên phải đứng trên giàn giáo cao để làm việc. Trong cái nắng hầm hập, mồ hôi toát ra như tắm, tay anh cầm bay thoăn thoắt tô tường, miệng anh chỉ đạo thợ. Anh Tuấn tâm sự: “Làm nghề thợ hồ cực lắm, sức dài vai rộng như tôi làm giỏi lắm cũng chỉ được 80.000 - 100.000 đồng/ngày”. Trả lời câu hỏi: “Tiền công như vậy có đủ chi phí cho cuộc sống không?”, “Anh có định làm nghề thợ xây mãi?”, anh trả lời: “Nếu chỉ nuôi mình tôi thì đủ, song tôi còn phải gửi về quê để phụ giúp gia đình, nuôi mấy em  ăn học. Ngoài tiền thuê nhà, ăn uống, điện, nước và gửi về phụ giúp gia đình, tôi cũng để dành được vài ba trăm ngàn đồng/tháng. Nghề thợ hồ cực nhọc lại không có tương lai, biết  vậy, nhưng không làm thì lấy gì để sống?”

Những người làm thợ hồ đến từ nhiều miền quê khác nhau, mức tiền công và đời sống cũng khác nhau, nhưng điều đáng quý là họ luôn cần cù, chăm chỉ làm việc, kiếm sống bằng sức lao động chân chính của mình.

VĂN GIANG