05:05, 19/05/2010

Có một cựu chiến binh lập đền thờ Bác Hồ

Hơn 10 năm nay, có một cựu chiến binh đã âm thầm lập đền thờ Bác Hồ. Người cựu chiến binh ấy là ông Bùi Xuân Phước - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Khánh. Công việc nghĩa tình của ông Phước xuất phát từ suy nghĩ mang đậm tính nhân văn: Mong cho con cháu sau này hiểu và trân trọng những việc làm của cha ông.

Hơn 10 năm nay, có một cựu chiến binh đã âm thầm lập đền thờ Bác Hồ. Người cựu chiến binh ấy là ông Bùi Xuân Phước - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Khánh. Công việc nghĩa tình của ông Phước xuất phát từ suy nghĩ mang đậm tính nhân văn: Mong cho con cháu sau này hiểu và trân trọng những việc làm của cha ông.

Ông Bùi Xuân Phước bên quyển sách bằng hình ảnh của mình

Được sự chỉ dẫn của anh cán bộ văn hóa xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), chúng tôi đã tìm đến nhà ông Bùi Xuân Phước ở tổ Phước Tân, thôn Phước Điền. Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là 4 công trình “Uống nước nhớ nguồn”, gồm: Đền thờ Bác Hồ, tượng đài chiến sĩ, đền tháp người Chăm và nhà thờ gia tộc. Tuy những công trình này quy mô không lớn, nhưng nó đều hàm chứa những ý tưởng và tình cảm của ông Phước. “Những công trình này được tôi xây dựng theo lối “nội công ngoại quốc”. Và nó được đặt trên hai trục chính: đất nước - gia đình. Mỗi công trình, tôi đều cố gắng thể hiện trên đó nét kiến trúc đặc trưng và có ý nghĩa sâu sắc” - ông Phước cho biết. Quả đúng vậy, nếu nhìn vào thiết kế của các công trình này, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chi tiết riêng biệt mang tính hình tượng cao. Chẳng hạn, ở công trình đền thờ Bác Hồ, mái ngói và cột nhà được xây dựng như mô hình tiền sảnh Phủ Chủ tịch; ở công trình đền tháp người Chăm, với những đường cung chồng xếp lên nhau thành tầng bậc dễ dàng mang đến hình dung về một nguyên bản tháp Chăm. Tất cả các chi tiết từ bờ tường bảo vệ, cổng vào, đường đi đều mang ý nghĩa ẩn dụ cho một giai đoạn lịch sử nào đó. Việc sắp xếp đền thờ Bác Hồ đối diện với tượng đài liệt sĩ như ngụ ý cho lời căn dặn của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ khi các công trình này được hoàn thành và đi vào hoạt động nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt thường xuyên của các loại hình Câu lạc bộ (CLB) ở xã Phước Đồng như: CLB dưỡng sinh; CLB ông bà cháu; CLB thơ ca văn nghệ… Đặc biệt, vào các ngày lễ trong năm: Ngày giải phóng miền Nam (30-4), ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Cách mạng Tháng Tám (19-8), Quốc khánh (2-9), ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)…, tại đây thường diễn ra các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm.

Đến thăm nhà ông Phước trong những ngày cả nước kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa từ việc làm của ông. “Tôi vốn xuất thân là người lính, lại có nhiều năm làm công tác bảo tồn, bảo tàng nên tôi hiểu rằng, người mang lại cuộc sống và con đường đi tươi đẹp cho dân tộc chúng ta như ngày hôm nay chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thế hệ của chúng tôi đã khắc ghi, nguyện trung thành với lý tưởng của Người, nên giờ đây, tôi cũng muốn truyền lại niềm tin yêu, kính trọng của mình đối với Bác Hồ cho thế hệ mai sau” - ông Phước tâm sự. Được biết, theo kế hoạch phối hợp giữa ông Phước với Bảo tàng tỉnh, trong dịp 19-5 năm nay, tại đền thờ Bác Hồ ở nhà ông sẽ tổ chức triển lãm “Những dấu son trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác”. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe của ông nên kế hoạch đành phải hoãn lại. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Từng có nhiều năm công tác với bác Phước nên tôi hiểu được những việc làm của bác đều xuất phát từ tâm huyết mong muốn thế hệ hôm nay và mai sau mãi nhớ về những giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc cũng như công ơn to lớn của Bác Hồ. Từ góc độ chuyên môn, tôi thấy ý tưởng xuyên suốt trong việc xây dựng những công trình này nhằm gợi về những mốc son dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khi được bác Phước đề cập đến việc phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ, chúng tôi nhận thấy đây là một thành ý tốt, có ý nghĩa nhân văn, nên phía Bảo tàng tỉnh cũng đã chuẩn bị cho việc trưng bày. Đáng tiếc là đến phút cuối, do tình hình sức khỏe của bác Phước nên không thực hiện được. Tuy nhiên, nếu thuận lợi thì trong dịp 2-9 năm nay, việc tổ chức trưng bày sẽ được thực hiện”.

Ngoài ra, ông Phước còn sưu tầm và biên soạn được một tập sách bằng hình ảnh dày 138 trang khổ A3. Điều đáng chú ý trong bộ sách, bên cạnh rất nhiều hình ảnh về cá nhân, trong phần 1 của sách là những hình ảnh tư liệu về Bác Hồ lúc sinh thời; phần 2 của sách là hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Trung ương thăm tỉnh Khánh Hòa. Với tấm lòng của một cựu chiến binh và chuyên môn của một người từng có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tàng, việc làm của ông Phước thực sự đã tạo được một hiệu ứng tốt trong xã hội. Từ lâu nay, nhà ông đã trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa lành mạnh của người dân địa phương. Càng đáng quý hơn khi những việc làm của ông không vì mục đích cá nhân mà chỉ vì một tâm nguyện muốn giữ lại cho đời sau những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống. 

NHÂN TÂM