07:05, 23/05/2010

“Cái bang”, hàng rong lại xuất hiện

Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, vấn nạn “cái bang” - ăn xin, lang thang và buôn bán hàng rong trên địa bàn TP. Nha Trang đã tạm lắng. Tuy nhiên, gần đây, theo cảm quan của nhiều người, vấn nạn này đang quay trở lại với những hình thức hoạt động tinh vi hơn để đối phó với lực lượng chức năng…

Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, vấn nạn “cái bang” - ăn xin, lang thang và buôn bán hàng rong trên địa bàn TP. Nha Trang đã tạm lắng. Tuy nhiên, gần đây, theo cảm quan của nhiều người, vấn nạn này đang quay trở lại với những hình thức hoạt động tinh vi hơn để đối phó với lực lượng chức năng…

                                       Bán hàng rong ở vỉa hè gần Quảng trường 2-4.

Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tôi có mấy người bạn từ Hà Nội vào Nha Trang du lịch. Sau 3 ngày lưu lại trên thành phố biển, mọi người tỏ ra hài lòng và thích thú với các dịch vụ du lịch ở đây. Những dịch vụ như: Tắm bùn, lặn biển, đi cáp treo… thực sự đã để lại ấn tượng tốt với khách. Tuy nhiên, các bạn tôi cũng phàn nàn về việc mỗi lần đi ăn, đi mua sắm hay đi dạo đều bị làm phiền bởi những người ăn xin hoặc bán hàng rong. Cũng trong thời gian này, qua đường dây nóng của Báo Khánh Hòa có nhiều bạn đọc gọi đến phản ánh tình trạng trên. Những địa chỉ được nhắc đến nhiều đó là: Khu vực công viên bờ biển dọc đường Trần Phú; các quán nhậu khu vực bờ kè sông Cái; các quán nhậu khu vực Hòn Đỏ; các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ cầu vượt đến Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch)… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những đối tượng người ăn xin chủ yếu đến từ tỉnh khác, trong đó có rất nhiều trẻ em. Thời gian hoạt động “cao điểm” trong ngày của những đối tượng này từ 17 đến 21 giờ. Địa điểm thường là các quán nhậu, những nơi tụ tập đông người như Quảng trường 2-4… Còn những người bán hàng rong, họ hoạt động có phần tinh vi hơn trước. Hàng hóa, trang thiết bị phục vụ cho việc buôn bán cũng rất gọn nhẹ. Có người đã biến xe máy thành một sạp hàng di động, khi không thấy lực lượng thanh niên xung kích, dân phòng, họ thản nhiên bán hàng cho khách. Nhưng chỉ cần có động, ngay lập tức, họ sẽ phóng xe đi. Lại có những người mang “sạp hàng” để ở những nơi vắng lực lượng chức năng, còn bản thân họ lại đi đến từng khách hàng chào mời. Ai có nhu cầu ăn uống gì ngay lập tức họ sẽ mang đến… Với những cách thức như thế, họ dễ dàng đối phó được với các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự.

Khu vực công viên bờ biển dọc đường Trần Phú là nơi diễn ra hoạt động bán hàng rong thường xuyên nhất, đặc biệt là ở Quảng trường 2-4. “Buổi chiều, tôi thường ra hóng mát ở chân Tháp Trầm Hương. Tôi thấy có rất nhiều người bán hàng rong đang hoạt động. Có điều lạ là lực lượng chức năng có mặt thường xuyên nhưng những người bán hàng rong vẫn đối phó được” - ông Nguyễn Nam (68 tuổi) ở đường Nguyễn Thiện Thuật cho biết. Trước vấn nạn người ăn xin, lang thang, bán hàng rong như thế, một câu hỏi được nhiều người đặt ra: “Tại sao TP. Nha Trang không học tập cách làm của Đà Nẵng trong việc giải quyết vấn đề này?”.

Trao đổi với chúng tôi về việc giải quyết vấn nạn ăn xin, bán hàng rong, bà Trần Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Từ năm 2002, việc chấn chỉnh nạn ăn xin, buôn bán hàng rong trên địa bàn TP. Nha Trang đã được lãnh đạo tỉnh đặt ra và triển khai thực hiện. Hàng năm, thành phố đều có những đợt cao điểm để đưa người ăn xin, lang thang về chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, do Nha Trang là một thành phố du lịch, lại thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa lớn nên vô tình đã trở thành một nơi thu hút đối tượng ăn xin, lang thang, bán hàng rong tập trung ngày càng nhiều. Mỗi năm, có hơn 300 đối tượng được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để phân loại đưa về địa phương hoặc tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng. Tuy nhiên, tỷ lệ tái ăn xin, lang thang và buôn bán hàng rong vẫn rất cao”. Qua trao đổi với bà Mai, chúng tôi được biết, việc giải quyết người ăn xin, lang thang, bán hàng rong trên địa bàn TP. Nha Trang chưa thực sự dứt điểm là do tỉnh chưa có một phương án giải quyết cụ thể để đi đến tận cùng của vấn đề. Về việc học tập cách làm của Đà Nẵng, bà Mai cho biết: “Đà Nẵng là địa phương có nhiều nét tương đồng với TP. Nha Trang. Năm 2009, tỉnh cũng đã tổ chức một đoàn công tác gồm lãnh đạo nhiều sở ngành và TP. Nha Trang đi học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng. Qua đợt công tác đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng xong đề án giải quyết tình trạng người ăn xin, lang thang, bán hàng rong và đang trong thời gian lấy ý kiến để UBND tỉnh phê duyệt”. Trong đề án này, nổi bật lên các vấn đề: Sẽ thành lập đội công tác nghiệp vụ khoảng 10 người, được trang bị phương tiện, thường xuyên túc trực 24/24 để thực hiện việc tập trung các đối tượng ăn xin, lang thang và bán hàng rong. Đội công tác có chức năng phân loại đối tượng ban đầu, trường hợp nào gặp vấn đề về sức khỏe sẽ được đưa ngay đến cơ sở y tế để chữa bệnh, số còn lại sẽ đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội để tiếp tục phân loại. Sau khi Trung tâm Bảo trợ xã hội phân loại xong sẽ có những hình thức hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng cụ thể như: Cho học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm…; có chế độ khuyến khích người dân phát hiện đối tượng ăn xin, lang thang, bán hàng rong và báo về cho đội công tác sẽ được thưởng 200 ngàn đồng/đối tượng. Dự trù kinh phí để thực hiện đề án này khoảng 300 triệu đồng/năm, đề án sẽ được triển khai trong 5 năm. “Với đề án này, chúng tôi tin sẽ giải quyết được vấn đề người ăn xin, lang thang, bán hàng rong trên địa bàn TP. Nha Trang một cách triệt để, bền vững. Đây thực sự là phương án giải quyết tận gốc của vấn đề” - bà Mai chia sẻ.

GIANG ĐÌNH